Bến Tre: Tranh thủ thời cơ để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

27/01/2023 - 18:18

Năm 2023, dự báo tình hình kinh tế thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế và xã hội. Tình hình trong nước từng bước được phục hồi nhưng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặt ra yêu cầu cho UBND tỉnh và các ngành, các cấp là phải đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất; khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ, vận hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

A A

Đối với các dự án điện gió đã hoàn thành một phần hoặc toàn bộ dự án nhưng chưa đưa vào vận hành, các ngành và địa phương phối hợp chủ đầu tư hoàn chỉnh các hồ sơ thủ tục theo quy định. Ảnh: C. Trúc

Phấn đấu xuất khẩu đạt 1.700 triệu USD

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết: Mục tiêu xuất khẩu năm 2023 sẽ tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương đạt 1.700 triệu USD. Để đạt mục tiêu đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Tiếp tục thực hiện kết nối cung - cầu lao động để tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng xuất khẩu. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh, xuất khẩu. Nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phù hợp với hoàn cảnh mới, trong đó tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các đại sứ quán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam, các tỉnh, thành phố cả nước, những tập đoàn bán lẻ lớn... để đẩy mạnh hoạt động giao thương kết nối DN với đối tác nước ngoài. Đồng thời, hỗ trợ DN tiếp cận thị trường, nguồn vốn, công nghệ chất lượng cao. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN xuất khẩu. Tiếp tục hỗ trợ công tác xúc tiến xuất khẩu để DN có thể nắm bắt, chuyển hóa lợi ích từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết như CPTPP và EVFTA, UKVFTA, RCEP… Trong đó, tổ chức nhiều hội nghị tập huấn chuyên sâu về quy tắc, nội dung của các hiệp định thương mại tự do, hỗ trợ DN nắm bắt được cơ hội mà hiệp định mang lại để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Đặc biệt, đẩy mạnh hỗ trợ DN tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại để củng cố thị trường trong nước. Đồng thời, chú trọng hỗ trợ DN tổ chức đoàn giao thương kết hợp với tổ chức hội nghị giao thương, tham gia hội chợ triển lãm tại nước ngoài để tăng cường hiệu quả xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm phù hợp; hỗ trợ DN thực hiện ứng dụng các nền tảng công nghệ vào quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường.

Đưa vào vận hành 377MW điện gió

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho rằng, các công trình lưới điện (phục vụ giải tỏa công suất các dự án điện gió do ngành điện đầu tư) đã có quy hoạch và chủ đầu tư là Tổng công ty Điện lực miền Nam đã, đang và sẽ triển khai xây dựng. Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh phối hợp tác động Tổng công ty Điện lực miền Nam sớm đầu tư các công trình lưới điện 110kV trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định. Đồng thời, giúp giải tỏa công suất các công trình điện gió khi đưa vào vận hành trong năm 2023, nhất là khu vực huyện Thạnh Phú, Bình Đại. Chỉ đạo các ngành, địa phương hỗ trợ ngành điện đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng kịp thời đưa các công trình này vào vận hành trong năm 2023.

Đối với các dự án điện gió đã hoàn thành một phần hoặc toàn bộ dự án nhưng chưa đưa vào vận hành, hiện tại có dự án Nhà máy điện gió Mêkông, Nhà máy điện gió VPL giai đoạn 1 đã hoàn thành, các ngành và địa phương phối hợp với chủ đầu tư hoàn chỉnh các hồ sơ thủ tục theo quy định để chủ đầu tư đủ điều kiện thỏa thuận giá và ký hợp đồng mua bán điện nhằm đưa công trình vào vận hành.

Đối với các dự án hoàn thiện một phần, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các ngành và địa phương phối hợp hỗ trợ các chủ đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng và các hồ sơ thủ tục có liên quan sớm hoàn thiện công trình để đủ điều kiện thỏa thuận giá và ký hợp đồng mua bán điện, đưa công trình vào vận hành.

Ứng phó xâm nhập mặn

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đoàn Văn Đảnh cho biết: Nhằm chủ động trong công tác phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023, sở đề nghị các sở, ban ngành tỉnh có liên quan, UBND các huyện, thành phố cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt nội dung Kế hoạch phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023 và các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Đồng thời, triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023 theo kế hoạch, phương án của đơn vị, địa phương đã được xây dựng. Tăng cường công tác tuyên truyền, phát động nhân dân, DN tích cực trữ nước mưa, nước ngọt ngay trong mùa mưa năm 2022 bằng nhiều hình thức nhằm đảm bảo có đủ nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và sản xuất trong mùa hạn mặn. Xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023 theo phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị cho phù hợp với dự báo tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn và khả năng đáp ứng nhu cầu dùng nước của hệ thống công trình thủy lợi, cấp nước trong thời gian tới.

Sở NN&PTNT đề nghị các đơn vị cấp nước nông thôn chuẩn bị sẵn sàng phương án, kế hoạch, nhằm kịp thời triển khai giải pháp đảm bảo thực hiện tốt hoạt động cấp nước phục vụ người dân trong mùa khô 2022-2023 và những năm tiếp theo. Báo cáo định kỳ hàng tuần về tình hình nguồn nước và hoạt động cấp nước của nhà máy, trạm cấp nước nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động cấp nước trong mùa khô năm 2022-2023 trên địa bàn tỉnh.

UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước. Phối hợp với các sở, ngành trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp nước sạch của các đơn vị cấp nước trên địa bàn; tránh tình trạng ô nhiễm môi trường.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tổ chức đo, kiểm tra độ mặn hàng ngày tại các trạm theo kế hoạch (kể từ tháng 12-2022). Số liệu đo mặn hàng ngày tại các trạm được chuyển tiếp qua nhóm Zalo “Phòng, chống thiên tai tỉnh Bến Tre” để các ngành, các cấp địa phương kịp thời nắm bắt, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó phù hợp.

Ngoài ra, một số đơn vị cũng đã có kế hoạch đo mặn cụ thể như: Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi có kế hoạch đo kiểm tra độ mặn tại các công trình đầu mối, cống lấy nước (35 điểm đo). Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn có kế hoạch tổ chức đo mặn tại 29 nhà máy nước. Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre tổ chức 3 điểm đo mặn tự động để theo dõi mặn từ xa trên sông An Hóa và sông Hàm Luông. Đồng thời, bố trí 20 điểm đo mặn khu vực lấy nước của 5 nhà máy nước An Hiệp, Sơn Đông, Hữu Định, Chợ Lách, Lương Quới.

Các giải pháp giảm nghèo

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thanh Hùng, qua kết quả bình nghị hộ nghèo cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 14 ngàn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,5% và 14,7 ngàn hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,66%. Với kết quả giảm nghèo nêu trên là chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Năm 2023, để triển khai thực hiện đạt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 2,5%, sở kiến nghị một số giải pháp như: Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp, kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy, cán bộ làm công tác giảm nghèo, nhất là cấp cơ sở theo hướng chuyên nghiệp. Thực hiện tốt công tác phối hợp, phân công trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo, nhất là ở cấp xã. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc tiếp cận, hướng dẫn hộ nghèo xây dựng kế hoạch phát triển sinh kế.

Triển khai có hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. Thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo và tăng cường vận động các nguồn lực giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần thoát nghèo bền vững.

Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc tuyên truyền, phối hợp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Hỗ trợ tạo điều kiện để đoàn viên, hội viên tham gia phát triển sản xuất, cải thiện sinh kế vươn lên thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, nâng cao chất lượng đào tạo nghề ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo duc nghề nghiệp - giáo dục thuờng xuyên tại các huyện, thành phố. Giải quyết việc làm gắn với đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo Báo Đồng Khởi