Bến Tre: Triển khai kịch bản ứng phó dịch tả heo châu Phi

13/11/2020 - 10:22

Dịch tả heo châu Phi đã tái xuất hiện trở lại ở một số tỉnh, trong đó có huyện Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang). Đây là địa phương giáp xã Tam Hiệp (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre), nên nguy cơ ảnh hưởng đến tỉnh rất cao. Vì vậy, ngành chăn nuôi và thú y tỉnh đã triển khai ứng phó theo kịch bản phòng chống dịch tả heo châu Phi.

Chăn nuôi heo đảm bảo an toàn sinh học và không gây ô nhiễm môi trường.

Chủ động phòng chống

Ông Trần Quang Thái - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre cho biết, Chi cục đã thông tin đến trạm thú y xã, huyện để theo dõi, giám sát bến phà nối huyện Tân Phú Đông với Tam Hiệp. Nếu trạm thú y địa phương phát hiện vận chuyển heo qua lại nhiều thì sẽ báo cáo Chi cục để tổ chức lực lượng trực, kiểm soát và tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ ở khu vực gần bến phà.

Ổ dịch tả heo châu Phi phát hiện đầu tiên ở tỉnh vào ngày 2-7-2019 tại xã Thạnh Phú Đông (huyện Giồng Trôm). Sau đó dịch bệnh lan ra 84 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thành phố. Ngành chức năng đã tiêu hủy bắt buộc trên 42,6 ngàn con heo tại 1.181 hộ chăn nuôi. Ổ dịch cuối cùng được phát hiện, xử lý vào ngày 26-12-2019 tại xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc và không còn phát sinh ổ dịch mới. Đến tháng 4-2020, Bến Tre công bố hết dịch tả heo châu Phi.

Sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, đàn heo của tỉnh bị kéo giảm gần 40%. Ngành chăn nuôi của tỉnh đã triển khai kế hoạch tái đàn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Bến Tre; đồng thời, tổ chức nhiều lớp tập huấn và phân công cán bộ quản lý, hướng dẫn tái đàn, tập trung kiểm soát về an toàn dịch bệnh cho từng địa phương.

Đối với các cơ sở, trang trại chăn nuôi có đầu tư từ ngoài tỉnh vào, liên quan đến con giống và thức ăn ở các cơ sở chăn nuôi lớn thì do Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh quản lý; đối với các trang trại chăn nuôi ở địa phương thì do trạm thú y các huyện quản lý; đối với các hộ chăn nuôi nông hộ thì do xã và thú y xã quản lý. Khi quản lý tái đàn sẽ kiểm tra điều kiện an toàn sinh học, điều kiện chăn nuôi ở mức độ hạn chế tối đa dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp người dân tự ý tái đàn không thông qua sự quản lý của xã và thú y địa phương.

Khó khăn khi tái đàn

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trần Quang Thái cho biết, hiện nay, chăn nuôi có quy định về vùng cấm chăn nuôi và vùng chăn nuôi thì phải đảm bảo an toàn sinh học và không gây ô nhiễm môi trường, đáp ứng các điều kiện vệ sinh thú y, con giống, thức ăn nên phần nào ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi của người dân... Những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ muốn tái đàn rất khó vì không đáp ứng yêu cầu.

Ngoài ra, thời gian qua, nhiều yếu tố tác động như dịch bệnh và giá cả heo giống ở mức cao, đàn heo nái giống của tỉnh không đáp ứng kịp thời nhu cầu tái đàn nên người dân cân nhắc tái đàn. Do đó, phát triển tái đàn ở Bến Tre muốn nhanh rất khó. Đến thời điểm này, tỉnh đã tái đàn heo đạt khoảng 70% tổng số thiệt hại của năm 2019.

Năm 2014, tổng đàn heo của tỉnh khoảng 360 ngàn con, tỉnh quy hoạch đến năm 2020, tổng đàn heo là 560 ngàn con, đồng thời quy hoạch cụ thể quy mô cho từng vùng nuôi (nuôi trang trại, gia trại, nông hộ). Tuy nhiên, do tình hình chăn nuôi thuận lợi, giá cả hợp lý nên tổng đàn heo của tỉnh vượt lên trên 700 ngàn con với khoảng trên 100 ngàn hộ chăn nuôi. Bến Tre trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về số lượng đàn heo nhưng lại chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát. Đến năm 2017, giá heo giảm, phải giải cứu và đến năm 2018, giá heo bấp bênh dẫn đến tổng đàn heo của tỉnh giảm còn khoảng trên 500 ngàn con. Năm 2019, do dịch tả heo châu Phi bùng phát kèm dịch lở mồm long móng khiến đàn heo của tỉnh giảm còn 353 ngàn con.

Do đó, muốn phát triển đàn heo theo đúng quy hoạch để không ảnh hưởng đến xã hội và tăng trưởng kinh tế là rất khó. Nếu chăn nuôi ổn định, dịch bệnh được kiểm soát thì đến năm 2021 đàn heo của tỉnh sẽ tăng lên 560 ngàn con theo như quy hoạch của tỉnh Bến Tre.

Giá heo hơi hiện dao động trong khoảng 65 - 70 ngàn đồng/kg. Nhiều cơ sở chăn nuôi tại các huyện: Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Châu Thành đang tái đàn. Có  khoảng 1 ngàn hộ thực hiện tái đàn. Số lượng heo tái đàn từ đầu năm đến nay ước khoảng 45 - 47 ngàn con các loại. Hiện tại, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang tiến hành rà soát, khảo sát thực trạng tái đàn heo ở các địa phương.

 

Theo THU HIỂN (Báo Đồng Khởi)