Biến vỏ bưởi thành đặc sản

26/12/2019 - 14:16

Từ đặc sản bưởi Năm Roi ở xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh), cô Phạm Thị Phượng (57 tuổi) mài mò để khởi nghiệp với sản phẩm vỏ bưởi sấy giòn hỗ trợ sức khỏe người tiêu dùng theo hướng sản xuất sản phẩm sạch, an toàn.

Không chỉ góp phần quảng bá sản vật địa phương, cô còn là người truyền cảm hứng và tiếp thêm động lực cho những ai còn ấp ủ đam mê khởi nghiệp.

Chị Phượng với đam mê khởi nghiệp từ vỏ bưởi.

Duyên với xứ bưởi

Tình cờ biết đến sản phẩm vỏ bưởi sấy Vân Phượng (ấp Mỹ Thới 2, xã Mỹ Hòa) qua một hội chợ quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương, chúng tôi tìm đến cô Phạm Thị Phượng- Chủ hộ kinh doanh Vân Phượng- để nghe câu chuyện khởi nghiệp từ phụ phẩm tưởng chừng như chỉ có thể bỏ đi này.

Kể về quá trình đi đến con đường khởi nghiệp từ vỏ bưởi, cô Phượng cho hay, hơn nửa đời người, cô gắn bó với công việc thợ may. Đến năm 2018, khi đi nuôi người bệnh ở TP Hồ Chí Minh, cứ đi đi về về giữa Mỹ Hòa và TP Hồ Chí Minh, mỗi lần về là cô mang theo đặc sản bưởi Năm Roi.

Cô Phượng nhớ lại: “Lúc đó, ăn bưởi xong bỏ nhiều vỏ, thấy tiếc quá, tôi mới mài mò thử hết cách này đến cách kia để làm mứt vỏ bưởi bán cho những người quen. Thời gian đầu bán rất chạy nhưng càng về sau càng ế do người dùng ngày càng chú ý tới sức khỏe hơn, hạn chế ăn nhiều đường. Từ đó, tôi nghĩ, vỏ trái cây này không chỉ chế biến ra để ăn chơi mà còn dùng để hỗ trợ một số bệnh như giảm mỡ máu, gan nhiễm mỡ, huyết áp, hỗ trợ tiêu hóa,… Tôi bắt tay vào sản xuất ra vỏ bưởi sấy và được nhiều người ủng hộ”.

Theo chồng về TX Bình Minh, cô Phạm Thị Phượng cũng dành tình cảm đặc biệt cho cây bưởi, cũng như chồng cô và những người sinh ra, lớn lên ở nơi này. “Cồn Sừng bốn bề là bưởi, cứ chạy trên đường đan thì dọc 2 bên đường bưởi sai trĩu trịch đụng vào đầu, không mê sao được”- cô Phượng cười tươi, chia sẻ.

Nguồn nguyên liệu để cô sản xuất vỏ bưởi sấy cũng là từ 4 công bưởi ở vườn nhà và mua từ những nơi chuyên cung cấp vỏ bưởi trên cồn Sừng.

Đon đả mời chúng tôi thử vỏ bưởi sấy giòn, miếng bưởi trắng, giòn rụm, ngọt dịu ở đầu lưỡi hòa quyện với mùi thơm nhẹ của vỏ bưởi. Theo cô Phượng, vỏ bưởi thường cứng, dai, vị chát hay đắng nên rất khó ăn nếu không xử lý chế biến phù hợp.

“Lúc đầu chưa có máy sấy, vắt bằng tay muốn rụng rời luôn nhưng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau đó, tôi mới đăng ký giấy phép kinh doanh, đầu tư thêm máy móc, nhờ vậy mà năng suất, chất lượng cũng được nâng lên”- cô Phượng phấn khởi nói.

Cô Phượng bắt đầu khởi nghiệp với muôn vàn khó khăn: “Kiếm sống hàng ngày thì đâu có tiền mua máy móc, phải mua bao bì theo từng ký, hết thì mới mua tiếp. Phải bỏ rất nhiều bưởi, thử nghiệm nhiều lần, đủ kiểu mới ra loại vỏ bưởi sấy giòn hoàn toàn tự nhiên, chỉ thêm phụ gia là chanh, đường và muối.

Có lần nhận đơn hàng giao 300kg vỏ bưởi sấy giòn nhưng máy móc nhỏ quá, mỗi ngày chỉ làm được vài ký nên ngậm ngùi bị hủy đơn. Nhiều lần ông xã hỏi tôi nhiều việc để làm sao không chọn mà đi chọn công việc vất vả này. Tôi mê quá, nghĩ dù có khó khăn nhưng không được nản. Muốn khởi nghiệp thì điều trước tiên phải tin tưởng vào bản thân mình”.

Biến phụ phẩm thành đặc sản

Nhiều người tiêu dùng khi sử dụng thương hiệu sản phẩm vỏ bưởi sấy Vân Phượng, đều có chung nhận xét: đây không chỉ là món ăn chơi mà còn giúp cải thiện sức khỏe.

Vừa mua xong nửa ký vỏ bưởi sấy giòn và sấy khô, chị Mai Thị Nhung (Phường 8- TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Vỏ bưởi sấy không chỉ tốt cho người bị tiểu đường và ăn kiêng mà còn hỗ trợ nhu cầu giảm cân, làm đẹp và hỗ trợ cải thiện bộ máy tiêu hóa. Tôi thấy vỏ bưởi Vân Phượng có bao bì, nhãn hiệu đàng hoàng nên rất an tâm khi mua”.

Hiện hộ kinh doanh của cô Phượng cung cấp 40kg vỏ bưởi sấy giòn trong một ngày, sản phẩm đi khắp các tỉnh- thành: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau,… Bạn bè của cô Phượng ở nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan cũng đặt hàng để làm quà biếu, như một sản vật của địa phương. Cô Phượng cũng kết hợp bán thêm tinh dầu từ vỏ bưởi.

Sản phẩm vỏ bưởi sấy, tinh dầu bưởi của chị Phượng được khá nhiều người ưa chuộng.

Ông Nguyễn Thành Liêm- Phó Phòng Kinh tế Hạ tầng TX Bình Minh- nhận xét: từ loại cây trái gắn liền với quê hương, cô Phạm Thị Phượng đã tạo ra các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe người tiêu dùng theo hướng sản xuất các sản phẩm sạch, an toàn.

Qua đó, cho thấy, hiệu quả bước đầu thành công trên con đường khởi nghiệp từ việc khai thác “tài nguyên bản địa”.

Tuy chỉ mới xuất hiện trên thị trường gần 1 năm nay, nhưng sản phẩm đã góp phần tăng giá trị trái bưởi, đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại địa phương. Sản phẩm này cũng đã được bình chọn đạt tiêu chuẩn là sản phẩm OCOP của TX Bình Minh. Thời gian tới, phòng cũng sẽ có hướng hỗ trợ hộ kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, để sản phẩm đi xa hơn.

Với sự nhiệt huyết, niềm đam mê và kiên định với con đường đã chọn, cô Phượng đã góp sức mình quảng bá, nâng tầm sản vật của địa phương và khẳng định “Không bao giờ là muộn để khởi nghiệp. Mỗi người cần một thời điểm thích hợp, chỉ cần tích góp đủ kinh nghiệm, đam mê và không bỏ cuộc khi khó khăn”.

Theo Báo Vĩnh Long