Lần đầu nhìn thấy món ăn địa phương này, dẫu đã có loáng thoáng nghe nhắc tên ở đâu đó trong những cuộc chuyện về đất, về người.
Bất ngờ nho nhỏ
Cá lóc xắt miếng, ướp nghệ vàng. Mùi thơm của sả. Nghe nói người ta băm cá lóc và sả rồi viên lại, bỏ vào nấu nước lèo. Nên nước ngọt tự nhiên và thơm mùi sả. Rồi rau xanh, thứ sản vật giản dị trời cho ở vùng Tháp Mười. Đặc biệt là rau so đũa. Và tô muối ớt to.
Món bún Xiêm Lo và tô muối ớt bắt mắt ở thị xã Kiến Tường. ẢNH: H.V.T
Ôi trời, tôi thề là không kìm được cảm giác tiết nước bọt khi nhìn thấy tô muối ớt đỏ nồng nàn với những hạt muối vuông nho nhỏ trông bắt mắt và khêu gợi. Thậm chí những hạt muối như thể lấp lánh trong chiếc tô đất rất bình dị.
Tôi còn chưa kịp đọc hết những cảm nhận của mình với mấy tô bún Xiêm Lo bày ra trên bàn thì nghe cô bán hàng cỡ tuổi không còn trẻ nữa tươi cười nói câu: “Chúc anh ăn ngon miệng!”. Thú thật tôi không nghĩ sẽ được nghe câu chúc ấy trong một quán ăn bình dân ở một thị xã nhỏ cách biên giới Campuchia chỉ vài cây số. Một thị xã nhỏ với vỏn vẹn vài con phố trông kha khá, mà trong cái nhìn đầu tiên của tôi khi mới đến là còn một khoảng cách rất xa để theo kịp chất lượng dịch vụ ở những nơi đô thị phát triển. Vậy mà tôi bỗng được nghe câu chúc ngon miệng như thể ở một nhà hàng có dịch vụ đẳng cấp. Thế nên mới ngạc nhiên, thiếu điều là giật cả mình. Nhưng rồi tôi cũng không tránh được suy nghĩ, rằng chắc cũng chỉ là một chút lời đãi bôi của kỹ xảo bán hàng.
Cô bán hàng đang bưng bún cho khách mới vô ở bàn bên, nhưng cũng không quên đảo qua bàn tôi với một câu hướng dẫn: “Món này anh bỏ rau vô nhiều thêm chút ăn mới ngon”. Tôi ngoan ngoãn làm theo, gắp thêm một đũa rau rõ to. Mà thật ra tôi không nỡ bỏ qua sự hướng dẫn chu đáo của cô bán hàng. Thói đa nghi vô cảm và kiêu ngạo của kẻ quen làm khách hàng ở thị thành của tôi bắt đầu lung lay. Hình như cô bán hàng quan tâm rất chân thành chứ phải đâu là trò kỹ xảo.
Bàn bên có mấy anh chị đang ồn ào nói cười, nhìn trang phục và nghe qua câu chuyện thì đoán cũng là người nơi khác đến. Có hai cô trong bàn đang bàn về tô muối ớt hấp dẫn. Ôi trời, họ nói đúng điều tôi đang muốn trong đầu. Là ước gì có thể đem một tô muối ớt như thế về nhà. Tôi thì muốn đem về khoe với vợ, và tin chắc cô ấy sẽ thích lắm.
Bàn bên tính tiền, chắc họ có việc vội. Cô bán hàng đem ra một túi xốp, trút nguyên tô muối vào, tươi cười đưa cho một trong hai cô gái rồi nói: “Gửi chị ăn cho vui”. Hóa ra câu chuyện của hai cô gái bàn bên đã lọt vào tai cô bán hàng đang bận rộn loay hoay phục vụ quán đông buổi sáng. Tô muối ớt trở thành món quà tặng dễ thương cho khách. Còn người khách đàn ông bên bàn này là tôi thầm tiếc ngẩn tiếc ngơ, chẳng nhẽ buông lời đề nghị xin thêm tô muối ớt!
Vậy là câu chúc ngon miệng của cô ấy khi nãy chẳng phải lời đãi bôi của kỹ xảo bán hàng. Là sự quan tâm rất thiệt tình của cô bán quán vốn đủ kinh nghiệm để nhận ra khách lạ đường xa ghé đến ăn. Lời chúc, lời hướng dẫn thêm rau, rồi hành vi chủ động gói tặng khách tô muối ớt. Một xâu chuỗi có thật của sự chân thành.
Định vị dân gian
Để ý mới thấy quán gần như không thấy được tên riêng. Chỉ thấy được cái tên chung “bún Xiêm Lo”. Sau hỏi mấy anh em dân địa phương thì họ nhận diện quán bún ấy bằng kiểu định vị dân gian “bún nhà thờ”. Là vì quán gần cạnh một nhà thờ.
Mà gần như ở thị xã Kiến Tường, suốt hai ngày ở đó tôi mới biết, chủ yếu là quán ăn lề đường. Là cháo mực. Là hủ tiếu, bánh canh. Và mấy anh em dân địa phương cứ hay nói với nhau, chỗ này là quán má Ba, chỗ kia là quán má Bảy, không má này thì cũng má kia, mà đều là má cả.
Thiệt là dễ thương hết sức. Nhiều khi ở những vùng đất thế này, biển hiệu quán xá có thể trở nên thừa thãi. Thay vào đó là thương hiệu của sự giản dị và thân thương được gầy dựng một cách hồn nhiên trong lòng người dân địa phương.
Theo HUỲNH VĂN THÔNG (Thanh Niên)