Trời chưa hửng sáng, gian bếp của vợ chồng chị Trần Kim Anh, ở ấp Ðường Kéo, xã Tam Giang Tây, đã đỏ lửa, bắt đầu ngày làm việc mới. Nồi hơi tráng bánh hoạt động hết công suất khiến khói và hơi nước bốc lên ngun ngút, mùi bánh hấp dậy lên thơm phức. Mẻ này nối tiếp mẻ kia, cả khoảng sân trước nhà, lối đi và cả hai bên hàng rào cây xanh cũng được tận dụng triệt để phơi bánh phồng tôm.
Theo chị Kim Anh, đây là nghề gia truyền được giữ lửa mấy mươi năm nay. Từ nhỏ, chị đã quẩn quanh ở góc bếp xem cha mẹ mình tráng bánh; lớn lên một chút thì đã biết phụ lặt tôm, phơi bánh... và gắn bó đến tận bây giờ. Bánh phồng tôm của gia đình chị được khách hàng biết đến nhiều nhờ sử dụng nguyên liệu sạch, tươi sống, hàm lượng tôm cao nên bánh thơm ngon, tròn vị. Bánh hút hàng quanh năm, cao điểm nhất là từ tháng 11, 12 âm lịch. Hiện mỗi ngày vợ chồng chị làm ra hơn 50 kg bánh phồng tôm, tăng gấp 10 lần so với ngày thường. Ngoài ra, chị Kim Anh còn làm thêm bánh phồng chuối, khoai môn, mít, lá dứa, mè đen để phục vụ thực khách, giá bán dao động từ 80-90 ngàn đồng/kg.
Khoảng sân trống trước nhà được chị Kim Anh (áo đỏ) tận dụng phơi bánh phồng.
Hầu hết các công đoạn làm bánh từ đánh bột, lột tôm, tráng, phơi, cắt bánh đến đóng gói được vợ chồng chị làm thủ công. Chị Kim Anh bày tỏ: “Những năm gần đây, trên thị trường đã có máy đánh bột, tráng bánh nhưng gia đình vẫn thích làm thủ công. Bánh trong dịp Tết được làm theo nhu cầu của khách, kỹ càng, chất lượng hơn nhưng giá cả vẫn không thay đổi nhiều so với ngày thường”.
Cơ sở sản xuất Giang Loan, ở ấp Ba Nhất, xã Tam Giang Tây, những ngày này cũng thuê thêm nhân công, làm việc không ngơi tay mới đủ sản lượng các mặt hàng cung cấp cho người dùng. Hiện 5 mặt hàng của cơ sở gồm: tôm khô tách vỏ, tôm khô nguyên vỏ, tôm sú xẻ khô, mắm tôm và bánh phồng tôm hầu như đã trở thành món ăn khoái khẩu không chỉ của người dân địa phương mà còn ở các tỉnh lân cận và khách du lịch.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, chủ cơ sở kinh doanh Giang Loan, tôm nguyên liệu sản xuất các loại sản phẩm của cơ sở được thu mua tại địa phương, đảm bảo tươi sống. Tôm được nuôi tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn nên chất lượng thịt ngon, sản phẩm làm ra đạt chất lượng, tiêu thụ ổn định quanh năm. Trung bình mỗi tháng, cơ sở cung ứng khoảng 400-500 kg các loại sản phẩm. Riêng dịp cuối năm, sản lượng tăng 6-7 lần, hàng làm ra bao nhiêu cũng hết vì nhu cầu rất lớn.
Dịp Tết, cơ sở Giang Loan phải thuê thêm nhân công để kịp cung ứng các đơn hàng.
Ông Giang cho biết, năm nay sản lượng tôm khai thác không cao như mọi năm, thời tiết lại mưa nắng thất thường, sợ không đủ hàng cung cấp cho thị trường nên từ đầu tháng 10 âm lịch, cơ sở đã bắt đầu tăng tốc chuẩn bị cho mùa Tết. Ai nấy đều làm việc hết sức khẩn trương để kịp thời đưa những sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Chị Ngô Hồng Tím, ấp Ba Nhất, xã Tam Giang Tây, bộc bạch, liên tiếp 7 mùa Tết qua, chị đã gắn bó với cơ sở kinh doanh Giang Loan. Năm nào cũng vậy, tới vụ là cơ sở phải mướn thêm 5-6 chị em làm mới kịp. Các chị tham gia vào những công đoạn: lột tôm, phơi tôm, phơi bánh phồng tôm, tráng bánh, cắt bánh, tách vỏ tôm..., công việc dễ làm, không nặng nhọc, cũng không yêu cầu về trình độ. Mùa này hàng nhiều, làm từ sáng sớm đến chiều muộn, thường xuyên tăng ca buổi tối, thu nhập mỗi ngày từ 300-400 ngàn đồng.
Hiện toàn huyện Ngọc Hiển có 9 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, 45 cơ sở và hàng trăm hộ gia đình chế biến các sản phẩm đặc sản, truyền thống; mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng ngàn tấn sản phẩm. Trong số đó, có 26 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao.
Ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, thông tin, hướng tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ hộ làm nghề tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; hỗ trợ, khuyến khích người dân đầu tư thiết bị, máy móc vào quy trình chế biến, sản xuất để tăng năng suất, nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm; đẩy mạnh kết nối, quảng bá sản phẩm qua các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ để mở rộng thị trường tiêu thụ. Mục tiêu giúp các hộ làm nghề truyền thống sản xuất quanh năm chứ không chỉ riêng mùa Tết./.
Theo TRÚC LINH - HUỲNH TỨ (Báo Cà Mau)