Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết, dịch bệnh xảy ra trên tôm từ đầu năm đến nay chủ yếu là bệnh đốm trắng và gan tuỵ cấp tính. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thời tiết phức tạp, môi trường diễn biến bất thường làm cho tôm nuôi bị sốc, giảm sức đề kháng, mầm bệnh còn tồn lưu trong môi trường làm cho dịch bệnh phát sinh, lây lan kéo dài, chưa có chiều hướng suy giảm.
Cùng với đó, môi trường ngày càng bị ô nhiễm từ chất thải sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, người nuôi tôm. Xử lý môi trường trước vụ nuôi chưa triệt để làm cho mầm bệnh còn tồn lưu từ vụ này sang vụ khác. Các vùng nuôi ao, đầm liền kề, nhưng khi bị dịch bệnh, công tác khử trùng khu vực xung quanh ao nuôi, kênh, bờ... chưa được chú trọng, động vật trung gian truyền bệnh như cua, còng, ba khía có thể di chuyển, mang mầm bệnh từ ao nuôi này sang ao khác.
Nông dân xã Tạ An Khương, huyện Ðầm Dơi thu hoạch tôm nuôi công nghiệp. Ảnh: THÀNH QUỐC
Ngoài ra, nhận thức của người dân nuôi tôm về bảo vệ môi trường, dịch bệnh cho vùng nuôi, cộng đồng còn hạn chế nên chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong xử lý và phòng, chống dịch bệnh. Hiện nay còn nhiều hộ nuôi chưa áp dụng nuôi tôm an toàn sinh học, khi tôm nuôi bị bệnh không khai báo cho lực lượng thú y, khuyến nông và chính quyền cơ sở để phối hợp xử lý dập dịch.
Theo đó, để phòng chống dịch bệnh trên tôm, hạn chế thiệt hại, trong 10 tháng năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo đơn vị chức năng cấp phát 35.433 kg hoá chất Chlorine để xử lý, khử trùng nước ao nuôi có tôm bệnh với diện tích 72,96 ha.
Ðồng thời, ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo Chi cục Thú y chủ trì, phối hợp cùng Chi cục Thuỷ sản, Trung tâm Khuyến nông, Phòng NN&PTNT các huyện, Phòng Kinh tế TP Cà Mau thường xuyên kiểm tra nắm tình hình thực tế tại các địa phương, đề xuất các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Thông báo kịp thời tình hình dịch bệnh cho các hộ nuôi trong vùng để chủ động phòng tránh, hạn chế lấy nước trong thời gian có dịch, không giấu dịch bệnh, không xả nước ao, đầm nuôi có bệnh chưa qua xử lý ra ngoài môi trường. Thực hiện chương trình thu mẫu giám sát chủ động và bị động để xác định tác nhân gây bệnh, sự lưu hành của mầm bệnh nhằm khuyến cáo, cảnh báo, xử lý kịp thời khi có dịch xảy ra.
Cùng với việc xuất cấp hoá chất Chlorine kịp thời xử lý nước ao, đầm nuôi bị bệnh khi có kết quả xét nghiệm bệnh nằm trong danh mục được phép xử lý, ngành còn dự trữ Chlorine ở các kho của trạm chăn nuôi và thú y cấp huyện để chủ động xử lý khi có dịch xảy ra.
Người nuôi tôm trên địa bàn huyện Đầm Dơi gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.
“Ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở theo dõi chặt chẽ tình hình nuôi tôm, dịch bệnh trên địa bàn, nhằm phát hiện sớm ổ dịch, kiểm tra, thu mẫu bệnh phẩm, chẩn đoán, xét nghiệm, hướng dẫn người nuôi các biện pháp phòng chống, tránh làm phát tán mầm bệnh. Giám sát chặt chẽ việc sử dụng Chlorine hỗ trợ chống dịch, hướng dẫn chủ hộ nuôi xử lý môi trường nước ao, đầm nuôi có tôm bị bệnh theo quy định trước khi thải ra môi trường bên ngoài”, ông Châu Công Bằng cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo nhận định của Sở NN&PTNT, trong 10 tháng đầu năm 2023, qua kết quả giám sát chủ động và bị động tại các huyện có nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh, quảng canh cải tiến và quảng canh kết hợp trên toàn tỉnh cho thấy, một số mầm bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi vẫn còn lưu hành nhiều ở các vùng nuôi (bệnh AHPND, WSSV, EHP, IHHNV). Trong khi đó, hiện nay tại các vùng nuôi đã cải tạo xong và đang tiếp tục thả giống cho vụ nuôi chính, diện tích thả nuôi sẽ tăng mạnh, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lưu hành, lây lan và gây thiệt hại cho người nuôi tôm trong thời gian tới rất cao nếu không áp dụng các biện pháp chủ động kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là con giống, khâu chuẩn bị ao nuôi tôm cho thật tốt và phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả. Ngoài ra, các đối tượng nuôi khác kết hợp với nuôi tôm, như sò huyết, cá, cua... khi có dịch bệnh trên tôm thường kéo theo các đối tượng nuôi này bị ảnh hưởng và chết.
Ông Châu Công Bằng thông tin, hiện nay, dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn đang diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng hoá chất Chlorine để xử lý, khử trùng ao nuôi khá lớn. Tuy nhiên, ngân sách địa phương phải tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, dẫn đến gặp khó khăn trong cân đối nguồn để mua hoá chất Chlorine hỗ trợ người dân. Do đó, UBND tỉnh đã có đề nghị và được Bộ NN&PTNT có quyết định hỗ trợ 30 tấn hoá chất Chlorine thuộc hàng dự trữ quốc gia cho tỉnh Cà Mau để phòng chống dịch bệnh thuỷ sản. Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT khẩn trương rà soát, liên hệ, trao đổi thống nhất với Công ty TNHH Tân An (đơn vị xuất cấp hoá chất), sau khi tiếp nhận thực hiện phân bổ, quản lý, sử dụng số hoá chất nêu trên kịp thời, đúng quy định, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh./.
Theo HỒNG NHUNG (Báo Cà Mau)