Khởi đầu mối quan hệ hợp tác
Thời gian qua, hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước. Kể từ khi thực hiện cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc đến nay, Trung Quốc đã giảm thuế cho nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội để DN Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn.
Riêng tỉnh Cà Mau, vào ngày 24/4 vừa qua, tỉnh đã tổ chức hội nghị “Gặp gỡ, kết nối doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh Cà Mau”, góp phần thắt chặt quan hệ đối tác, hợp tác, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh Cà Mau với thị trường Trung Quốc.
Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh, hội nghị là một sự kiện có ý nghĩa lớn, góp phần quan trọng để thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, quan hệ kinh tế giữa tỉnh Cà Mau và Trung Quốc, là dịp để các DN của tỉnh Cà Mau và DN của Trung Quốc gặp gỡ, trao đổi thông tin, khám phá tiềm năng hợp tác, tạo tiền đề để tiến tới hợp tác song phương trên tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi. Sự kiện lần này là khởi đầu cho một giai đoạn mới trong mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Cà Mau và các đối tác phía Trung Quốc.
Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt và ông Nguỵ Hoa Tường, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh, đánh giá cao buổi gặp gỡ và kết nối các doanh nghiệp hai bên.
Ông Nguỵ Hoa Tường, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh, đánh giá cao buổi gặp gỡ và kết nối giữa các DN, khẳng định Trung Quốc luôn mở cửa và mong sẽ có nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất sang thị trường này để mang lại lợi ích cho người dân hai nước. Ông mong muốn, các DN hai bên sẽ có nhiều chương trình, dự án, nhiều hợp đồng giao thương được ký kết và triển khai thiết thực.
Kết nối doanh nghiệp hai bên
Ông Phạm Nhật Cường, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN tỉnh, cho biết: “Tại hội nghị, nhiều DN hai nước đã trao đổi, chia sẻ thông tin với nhau. Trong đó, các DN của Cà Mau bày tỏ mong muốn được kết nối, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh sang thị trường Trung Quốc. Phía DN Trung Quốc mong muốn giới thiệu các công nghệ mới về dây chuyền sản xuất, tiết kiệm năng lượng, năng lượng xanh, công nghệ thông tin và dịch vụ logistics đến DN Cà Mau”.
Ngay trong lần gặp mặt đầu tiên, có 6 DN tỉnh Cà Mau bước đầu nhận được những tín hiệu tích cực từ các đối tác Trung Quốc khi họ đặt vấn đề mua hàng số lượng lớn trong thời gian dài, gồm: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Hoà Phát với sản phẩm bánh phồng tôm; Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Thuỷ hải sản Ngọc Giàu với sản phẩm tôm khô; HTX Tài Thịnh Phát Farm và Công ty TNHH Dư Thái Bình với sản phẩm cua tươi sống; HTX Ðoàn Phát với sản phẩm gạo; HTX Mắm cá mào gà với sản phẩm cá khô.
Ngoài ra, còn có 12 DN từ hai phía mong muốn được trao đổi, tìm hiểu, kết nối hợp tác đầu tư làm ăn lâu dài, trong đó phía Cà Mau có Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, Công ty TNHH Anh Khoa và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Hoà Phát... Một số nhà đầu tư Trung Quốc mong muốn được tìm hiểu sâu hơn về môi trường đầu tư, quy hoạch, kế hoạch mời gọi đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh, như: Ngân hàng Bank of China (Hồng Kông) Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Công ty Thuỷ sản Thuận Ðức Cà Mau và Công ty Chuỗi cung ứng thực phẩm Jin Yang (TP Hồ Chí Minh).
Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại giữa tỉnh Cà Mau với Trung Quốc đạt 97 triệu USD. (Ảnh minh hoạ).
Ông Phạm Nhật Cường cho biết thêm, qua trao đổi, nắm thông tin, các DN, nhà mua hàng có nhu cầu lớn với sản phẩm tôm, cua, bánh phồng tôm Cà Mau. Ngoài ra, nhà đầu tư đến từ Trung Quốc cũng bày tỏ mong muốn hợp tác đầu tư dự án nuôi tôm giống công nghệ cao tại Cà Mau, mong muốn được hỗ trợ, tìm hiểu thủ tục thực hiện dự án đầu tư; hứa hẹn kết nối trong thời gian tới.
Cần hỗ trợ cho doanh nghiệp
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của DN Cà Mau nói chung và các DN có sản phẩm OCOP của tỉnh nói riêng trong việc kết nối giao thương, buôn bán xuất khẩu sang Trung Quốc và các thị trường nước khác là về mặt ngôn ngữ. Các DN Cà Mau đa phần chỉ kết nối WeChat, phát tờ rơi, name card... cho phía DN Trung Quốc. Khi DN phía đối tác liên hệ, trao đổi thông tin, các DN Cà Mau chưa thể phản hồi trực tiếp mà cần thông qua sự hỗ trợ từ dịch vụ bên ngoài hoặc iPEC. Các sản phẩm: tôm khô, bánh phồng, gạo, cá khô chưa đáp ứng đủ sản lượng theo đơn đặt hàng. Doanh nghiệp OCOP Cà Mau chủ yếu đi lên từ hộ gia đình, kỹ năng thương mại xuất khẩu còn rất hạn chế, chưa nắm bắt được quy trình thủ tục về xuất khẩu hàng hoá. Một số chủ thể OCOP 4 sao tuy đã phát triển quy mô sản xuất, mở rộng nhà xưởng nhưng khi có đơn hàng với sản lượng lớn vẫn chưa thể đáp ứng.
Nhằm hỗ trợ DN, ông Phạm Nhật Cường kiến nghị, UBND tỉnh tăng cường nhân sự có khả năng giao tiếp bằng tiếng Trung Quốc tại các cơ quan liên quan như: Phòng Ngoại vụ Văn phòng UBND tỉnh, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN. Doanh nghiệp Trung Quốc hiện có nhu cầu với sản phẩm tôm từ Cà Mau, do đó, để có thể tối ưu hoá lợi nhuận khi xuất khẩu sang Trung Quốc, cần xem xét việc tăng cường phát triển các mặt hàng giá trị gia tăng phù hợp với nhu cầu của thị trường Trung Quốc. Ðối với các DN OCOP, cần có sự liên kết, hợp tác khi làm việc với đối tác Trung Quốc, tăng cường nhân sự, đơn vị tư vấn về quy trình, thủ tục xuất nhập khẩu để chuẩn bị sẵn sàng khi có đơn đặt hàng lớn từ đối tác.
Ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam, kiến nghị, để tránh tình trạng ách tắc, gây ảnh hưởng không tích cực tới chất lượng hàng hoá, nhất là nông sản, các bộ, ngành cần nghiên cứu xây dựng một trung tâm thông quan tại cửa khẩu nhằm giải quyết nhanh các phát sinh trong vấn đề thông quan giữa hai bên. Liên thông trong công tác thủ tục hành chính giữa hải quan hai nước, từ đó rút ngắn thời gian thông quan, đẩy nhanh dòng lưu chuyển hàng hoá./.
Theo TRUNG ĐỈNH (Báo Cà Mau)