Năm 2020, Phú Thuận về đích xã NTM và đến thời điểm này địa phương đang dồn sức hoàn thiện bộ tiêu chí xã NTM nâng cao. Ông Hồ Hởi, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, thông tin: “Mục tiêu kỳ quyết của địa phương là về đích NTM nâng cao trong quý I năm 2024. Hiện nay, trong 75 nội dung của bộ tiêu chí, Phú Thuận đã đạt 65 nội dung, còn lại 10 nội dung ở 6 tiêu chí thành phần đang tiếp tục được thực hiện quyết liệt”.
Quyết liệt chặng “nước rút”
Là 1 trong 4 xã nằm trong kế hoạch xây dựng NTM nâng cao của tỉnh Cà Mau năm 2023 (xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời; xã Trí Phải, huyện Thới Bình; xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn), Phú Thuận luôn nhất quán phương châm sử dụng đúng quy định và hiệu quả các nguồn lực đầu tư.
Ông Hồ Hởi thông tin: “Năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM, đầu tư công của địa phương, là hơn 34 tỷ đồng. Ðịa phương tiếp tục duy trì, nâng chất, xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí theo chuẩn mới, phát huy tối đa nguồn lực được hỗ trợ”.
Trong năm 2023, Phú Thuận có bước đột phá lớn về giao thông nông thôn với hàng loạt tuyến lộ liên ấp, đường nhánh được đầu tư. Ðến nay, chỉ tính riêng lộ 3 m trở lên, Phú Thuận hiện có gần 24 km; đường nhánh phủ khắp với gần 88 km.
Ông Huỳnh Quốc Hùng, người dân ấp Ðất Sét, vui mừng khi tuyến lộ 3 m vừa đưa vào sử dụng: “Nói thật, tuyến lộ lớn theo sông Trống Vàm này là mơ ước bao năm qua của bà con. Nhờ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, nhờ xây dựng NTM mà bà con được hưởng lợi, còn gì vui cho bằng”.
Tuyến lộ 3 m sông Trống Vàm vừa đưa vào sử dụng, ông Huỳnh Quốc Hùng, ấp Ðất Sét, đã chăm chút được hàng rào cây kiểng đẹp mắt.
Tuy nhiên, Phú Thuận vẫn còn băn khoăn về một số nội dung xây dựng xã NTM nâng cao theo quy định mới. “Quy định về tỷ lệ 55% hộ dân sử dụng nước tập trung là nội dung quá khó, nếu đối chiếu với điều kiện thực tế của địa phương. Hiện tại, 3 công trình cấp nước của xã chỉ đáp ứng vài chục hộ, vả lại, được đầu tư từ năm 2006, xuống cấp nhiều. Nếu đầu tư mới thì rất tốn kém, hiệu quả không tương xứng với suất đầu tư vì đặc thù sinh sống của người dân nông thôn rất phân tán”, ông Hồ Hởi chia sẻ.
Với tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 1,6%, thu nhập bình quân của người dân đạt gần 68,5 triệu đồng/người/năm, Phú Thuận đã có bước tiến lớn trong việc nâng cao toàn diện đời sống Nhân dân. Thế nhưng, việc xây dựng đời sống mới gắn với ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi số; chăm lo và nâng cao nội lực của Nhân dân vẫn cần một lộ trình và sự hỗ trợ từ nhiều phía, không thể nóng vội, có kết quả ngay. Những vướng mắc của Phú Thuận cũng là trăn trở của nhiều địa phương khác tại Cà Mau trong xây dựng NTM, rất cần sự đánh giá, điều chỉnh kịp thời, phù hợp của cấp thẩm quyền.
Trọn vẹn niềm tin
Ngay khi xác định mục tiêu xây dựng xã NTM nâng cao, Phú Thuận đã có sự chuẩn bị kỹ càng, cả về kế hoạch, lộ trình, giải pháp và quyết tâm chính trị, mà điểm tựa lớn nhất chính là sự đồng thuận, ủng hộ và nguồn lực đóng góp từ Nhân dân. Ông Hồ Hởi chia sẻ: “Những tiêu chí khó nhất trong xây dựng NTM, như vệ sinh, môi trường, nếu không có sức dân, dựa vào dân thì thật khó mà hoàn thiện”. Từ ý tưởng của người dân, Phú Thuận đã hình thành và nhân rộng mô hình “Mỗi tuần 1 giờ chỉnh trang diện mạo NTM và ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường ở khu dân cư”, thực sự đã làm bừng sáng lên diện mạo của quê hương.
Ông Huỳnh Phi Thoàn, Phó chủ tịch MTTQ xã Phú Thuận, tâm đắc: “Bây giờ, bà con Phú Thuận không chỉ ra quân 1 giờ/tuần mà đã trở thành thói quen, ý thức chăm chút cho nhà cửa, làng xóm ngày càng thêm đẹp, thêm khang trang. Lộ đến đâu, hàng rào cây xanh, hoa kiểng bung nở tới đó”.
Sự đồng thuận của người dân càng lớn hơn khi có chủ trương xây dựng NTM nâng cao. Từ đó, Phú Thuận xuất hiện ngày càng nhiều những tuyến đường NTM kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp” với nếp sống mới, văn minh, thân thiện.
Bà Nguyễn Thị Vân, Bí thư Chi bộ ấp Ðất Sét, cho biết: “Bà con ấp Ðất Sét đều thông suốt vấn đề xây dựng NTM, cũng là trách nhiệm, là công việc và phục vụ cuộc sống của chính mình”.
Ðến nay, toàn ấp Ðất Sét chỉ còn 1 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất, làm ăn kinh tế hiệu quả của người dân. “Dân có giàu, có hạnh phúc thì quê hương mình, đất nước mình mới giàu mạnh, hạnh phúc. NTM cũng là của dân, do dân, vì dân và dựa vào Nhân dân, đó là điều mà những người công tác ở ấp như tôi luôn tâm đắc”, bà Vân tâm sự.
Ông Nguyễn Minh Huế, một trong những nông dân tiên phong ở ấp Ðất Sét áp dụng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, bộc bạch: “Trước nuôi tôm chỉ trông đợi may rủi, còn bây giờ có bài bản, có khoa học nên kết quả hơn”.
Ông Nguyễn Minh Huế, ấp Đất Sét đã có cơ ngơi kinh tế ổn định từ nghề trồng rẫy và áp dụng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn.
Tết Giáp Thìn, gia đình ông Huế ăn Tết rộn rã vì trúng mùa tôm, thêm huê lợi từ vụ màu và hy vọng vào năm mới: “Năm nay xã nhà được công nhận NTM nâng cao thì Tết tới sẽ lớn hơn, vui hơn nữa”.
Chúng tôi ghé thăm ngôi trường THCS mang tên người Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Ðặng Tấn Triệu, thầy Cao Hoàng Liệt, Phó hiệu trưởng nhà trường, phấn khởi: “Trường đã có quyết định công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2, thật vinh dự và tự hào. Gắn với quyết tâm xây dựng Phú Thuận trở thành xã NTM nâng cao, thầy và trò nhà trường luôn giữ vững và tiếp tục phát huy thành quả đạt được”.
Trường THCS Ðặng Tấn Triệu, ngôi trường vùng nông thôn Phú Thuận đã đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.
Trên ngã sông Giáp Nước, bia truyền thống nơi thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Cà Mau tháng 11/1961 hiện diện uy nghiêm như nhắc nhớ về một quê hương Phú Thuận anh hùng trong quá khứ, và nay, lộng lẫy đẹp tươi trên đường phát triển. Ðâu đâu cũng thấy trọn vẹn những niềm tin./.
Theo PHẠM HẢI NGUYÊN (Báo Cà Mau)