Cà Mau: Khi cuộc đời “nở hoa”

31/05/2022 - 08:39

Bằng đôi tay khéo léo, những người phụ nữ này đã tìm cho mình được ngành nghề phù hợp, không chỉ tăng thu nhập cho gia đình mà còn thoả niềm đam mê và sở thích.

A A

Hoa giả… tiền thật

Bén duyên với nghề làm hoa thủ công 3 năm nay, không chỉ giúp cho chị Quách Thị Cẩm Gương, chủ cơ sở hoa Tâm Như (Phường 6, TP Cà Mau) có nguồn thu nhập ổn định mà còn tạo cơ hội việc làm cho nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn khóm. Đây được xem là một trong những nghề “hot” trong xu hướng hiện đại.

Với nghề làm hoa thủ công, chị Quách Thị Cẩm Gương không chỉ đảm bảo cuộc sống gia đình mình mà còn tạo thêm việc làm cho chị em khác.

Ban đầu, chị Gương chỉ làm hoa giả bán tại nhà thông qua mạng xã hội, về sau nhận thấy tiềm năng phát triển, Hội Phụ nữ Phường 6 liên kết hỗ trợ nguồn vay ngân hàng 20 triệu đồng để chị Gương mở cơ sở, thực hiện cơ hội làm chủ cho riêng mình.

Bên trong cửa hàng nhỏ nhưng bày biện rất nhiều nguyên liệu cùng vô số sản phẩm đã hoàn chỉnh, chờ khách đến lấy. Chất liệu tạo nên các chậu hoa, bó hoa, giỏ hoa cũng hết sức đa dạng như: voan, giấy, kẽm, pha lê, xốp… Các trào lưu làm hoa từng gây sốt mạng đều được chị Gương thử nghiệm và bày bán tại cửa hàng.

Không giới hạn mẫu mã và kích thước, điểm độc đáo của hoa thủ công do óc sáng tạo và sự khéo léo, tận tâm của người thợ làm ra chúng. Chính vì niềm đam mê vô tận nên chị Gương rất hăng say thiết kế nhiều mẫu mã mới, thu hút khách hàng.

Chị Gương bộc bạch: “Do đã có sẵn căn bản nên đối với những mẫu mã mới hay chất liệu khác, chỉ cần nhìn sơ qua là có thể mô phỏng, từ đó sáng tạo theo gu thẩm mỹ của bản thân hoặc yêu cầu của khách hàng. Những ngày lễ đặc biệt, tôi còn nhận làm hoa từ tiền thật hoặc bằng kẹo, thực phẩm… chỉ cần khéo léo kết hợp sẽ cho ra những bó hoa, giỏ hoa có một không hai”.

Với ưu điểm bền, đẹp, giá thành rẻ, có thể sử dụng lâu dài, hoa thủ công luôn có lượt mua cao vào những dịp đặc biệt như lễ, Tết, hay làm quà tặng vào ngày thường. Riêng mẫu hoa kim tiền luôn là sản phẩm chủ lực của cửa hàng, với màu vàng óng ánh, biến tấu theo hình dáng và tên gọi như: tài lộc, phú quý, thần tài, đồng tiền, cành vàng lá ngọc…

Nguyên liệu để làm nên hoa kim tiền cũng khá đơn giản, có thể tìm mua tại những cơ sở chuyên cung cấp phụ liệu làm hoa thủ công như kẽm, băng keo tạo hình, xốp, bông gòn và không thể thiếu đó là những cánh hoa rời để kết. Để tạo độ chân thực cho sản phẩm làm ra, chị Gương còn cất công đi săn lùng một số cành, gốc cây khô về tân trang lại. Sản phẩm làm ra vừa túi tiền nên bên cạnh bán lẻ, chị Gương còn có thêm nhiều mối sỉ từ các xã, huyện.

“Nhu cầu đặt hàng tăng, nhất là vào dịp cao điểm, để tiện cho nhân công, ngoài một số người làm trực tiếp tại chỗ thì thợ có thể đem về nhà ráp, thực hiện một vài công đoạn cơ bản để thêm tiền công. Có người tranh thủ lúc nhàn rỗi, khi đã xong cơm nước, chuyện đồng áng, mỗi khi đi chợ thì mang hàng đến, lãnh nguyên liệu về gối đầu và làm, như vậy dù ở nhà vẫn có thêm thu nhập”, chị Gương chia sẻ.

Chị Trang Hồng Thẩm, Chủ tịch Hội LHPN Phường 6, TP Cà Mau, cho biết: “Mô hình đem lại nguồn thu nhập khá cao, bên cạnh đó còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ. Bắt kịp xu thế và duy trì bằng đam mê, những sản phẩm hoa thủ công do chị Gương làm có độ tinh xảo và có hồn hơn, khách hàng cũng tăng dần theo thời gian. Bên cạnh thực hiện các công đoạn cơ bản, chị em yêu thích có thể đến cơ sở học nghề”.

Trồng hoa sinh kế lâu dài

Gắn bó với hoa vạn thọ từ 6 năm trước, tận dụng khoảnh sân vườn rộng rãi, chị Châu Thu Phần, Khóm 2, thị trấn U Minh, huyện U Minh, trồng hoa kinh doanh, mở ra hướng đi mới, phù hợp với ý nguyện cá nhân.

Chị Phần chia sẻ: “Nghề chính của tôi là ráp lú gia công, bình quân mỗi tháng đều đều từ 1.000 cái, mỗi cái tính tiền công từ 25.000-30.000 đồng. Công việc nhẹ nhàng, thêm mình quen tay nên làm nhanh. Từ lúc có thêm nghề trồng bông thì thu nhập tăng thêm một phần, tôi nghĩ còn trẻ, còn sức nên gắng mà làm”.

Vì yêu thiên nhiên, yêu hoa mà chị Thu Phần có thêm nghề tay trái mang lại thu nhập tương đối.

Theo chị Phần, nghề trồng bông tại địa phương không nhiều, nên ít cạnh tranh, thêm vào đó đây là mặt hàng hút khách, ngoài trồng lượng lớn cung ứng dịp Tết thì ngày rằm, lễ vẫn có thể bán cho bạn hàng, tiểu thương, giá cả tương đối cao, lại đắt hàng, có khi không đủ bán.

“Bình quân mỗi vụ Tết, tôi bán tầm 2.000 chậu vạn thọ, tất cả đều có khách đặt hết. Cứ 1.000 chậu, sau khi trừ hết chi phí phân, hạt giống, nước, tôi thu về khoảng 20 triệu đồng, một số tiền khá cho 2 tháng lao động”, chị Phần phấn khởi.

Ban đầu khi bắt đầu trồng, chị Phần cũng nhiều phen thất thu do chưa có nhiều kinh nghiệm: cây ra bông nhỏ, cây không đều nhau, đặc biệt là bông ra không đúng thời điểm như ý.

Theo chị Thu Phần, vạn thọ là loài cây “háu” nước, mỗi ngày cần 2-3 cữ nước cho cây. Ngoài ra, chất lượng bông phụ thuộc nhiều vào hạt giống, đến thời kỳ ra bông siêng tỉa cành, lá, những nụ phụ, xấu thì lặt đi để tập trung dưỡng nụ chính. Thời gian từ trồng đến xuất hàng chỉ tầm 2 tháng. Thêm vào đó, chi phí đầu tư khá ít, giá cả bình ổn, nên những hộ ít vốn nhưng có quỹ đất có thể thử trồng.

Sắp tới, để nâng cao hiệu quả kinh tế, cũng như đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chị Thu Phần dự định sẽ mở rộng diện tích, trồng thêm một số loài hoa khác. Hài lòng với nghề tay trái, không chỉ là nguồn thu tích luỹ mỗi năm mà đó còn là cách để những người yêu thiên nhiên, yêu hoa như chị Phần gắn bó lâu dài với đam mê./.

Theo Báo Cà Mau