Cà Mau: Lan toả sản vật đặc trưng địa phương

18/03/2024 - 09:58

“Ðến nay, huyện có 11 sản phẩm của 4 chủ thể đạt OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 6 sản phẩm được tỉnh công nhận đạt chuẩn 4 sao. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 16 chủ thể với hơn 20 sản phẩm tiềm năng có khả năng phát triển sản phẩm OCOP theo lộ trình đến năm 2025. Trong năm 2023, tổng kinh phí thực hiện chương trình OCOP khoảng 20,55 tỷ đồng”, ông Trần Thanh Nghị, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Năm Căn, cho biết.

A A

Đạt được kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đặc biệt là các chủ trương, chính sách của Nhà nước được cụ thể hoá và tổ chức thực hiện hiệu quả, phù hợp. Nhất là các chính sách về đầu tư nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chính sách khuyến khích phát triển ngành, nghề nông thôn và các dự án thành phần hỗ trợ chủ thể OCOP. Bước đầu các chủ thể làm quen và ứng dụng chuyển đổi số, tạo điều kiện tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử...

Đoàn công tác huyện trao đổi với đại diện Công ty TNHH MTV Văn Lợi (thứ hai từ phải sang), thị trấn Năm Căn về kế hoạch xây dựng sản phẩm tôm khô và tôm giòn của công ty đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên trong năm nay.

“UBND các xã, thị trấn lồng ghép nhiệm vụ chương trình OCOP với chương trình xây dựng NTM, đồng thời phân công 1 công chức tham mưu thực hiện chương trình. Ngoài ra, còn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, truyền thông bằng nhiều hình thức. Qua đó, đã phổ biến sâu rộng các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chương trình OCOP để người dân nâng cao nhận thức, tích cực tham gia, đồng thời đề xuất nhiều ý tưởng mới, sáng tạo, cách làm hay trong quá trình thực hiện”, ông Nghị chia sẻ.

Hiện nay có khoảng 60 chủ thể OCOP, doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện tham gia vào các câu lạc bộ OCOP toàn quốc; kết nối chương trình OCOP, các nhóm CEO OCOP do Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, Phòng NN&PTNT huyện thành lập thông qua các nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook... Qua đó, các thành viên được kết nối liên tục, cập nhật các thông tin cơ bản có liên quan đến chương trình và các nội dung hỗ trợ khác, nhằm phát triển sản phẩm OCOP. 

Các chủ thể tham gia trưng bày sản phẩm OCOP tại Festival Tôm và Diễn đàn OCOP đồng bằng sông Cửu Long năm 2023.

Ông Huỳnh Trung Kiên, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Kiên Cường (xã Hàng Vịnh), huyện Năm Căn có đường Hồ Chí Minh đi qua, hằng năm du khách đến Khu Du lịch Ðất Mũi khá đông. Ðây là lợi thế quan trọng để quảng bá sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng của huyện nếu được quan tâm hỗ trợ điểm trưng bày trên tuyến.

“Nếu có địa điểm trưng bày sản phẩm đặc sản trên tuyến thì chúng tôi sẽ kết nối với các công ty du lịch ghé qua để du khách tham quan, trải nghiệm sản phẩm và có thể mua sản phẩm về làm quà biếu cho người thân, từ đó sẽ quảng bá được đặc sản ở địa phương mình”, ông Kiên bày tỏ. 

Ông Lê Hữu Nhiệm, HTX Tài Thịnh Phát Farm, xã Tam Giang, chia sẻ, việc mở gian hàng trưng bày sản phẩm trong hệ thống siêu thị là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần bàn bạc thống nhất lựa chọn đơn vị đủ năng lực để điều hành, quản lý, trong đó phải xây dựng được đội ngũ marketing để giới thiệu sản phẩm và bộ phận quản lý tài chính.  

“Chúng ta phải làm bài bản, có khu trưng bày riêng; trước tiên thì làm tại tỉnh mình, sau đó sẽ lan toả ra hệ thống siêu thị ở các tỉnh, thành khác. Nhưng sản phẩm phải thật sự đúng tiêu chuẩn, đúng chất lượng của OCOP thì mới đưa vào đó trưng bày”, ông Nhiệm nhấn mạnh. 

Ông Trần Ðoàn Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện, khẳng định: “Vấn đề ở đây là phải tìm được người quản lý các sản phẩm của các chủ thể trên địa bàn huyện, như trả lương, trích bao nhiêu phần trăm lợi nhuận rõ ràng, phải tin tưởng, minh bạch để làm. Ðồng thời, đưa sản phẩm đi xa hơn, tiêu thụ nhiều hơn và được nhiều người biết hơn. Ðịa điểm trưng bày ở địa bàn huyện hay tỉnh, phía địa phương sẽ sẵn sàng hỗ trợ”./.

Theo VĂN TƯỞNG (Báo Cà Mau)