Cà Mau: Nâng tầm nghề di sản

19/01/2023 - 09:04

Xứ rừng biển Cà Mau, câu “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” đã kết tinh thành hai nghề di sản độc nhất vô nhị là gác kèo ong rừng tràm U Minh Hạ và muối ba khía Rạch Gốc. Tài sản của tiền nhân để lại không chỉ được trao truyền, kế thừa, mà nay còn được những người trẻ của xứ sở nâng lên tầm vóc mới.

A A

Lên rừng, xuống biển lập thân

Ðều thuộc thế hệ 8X, anh Phạm Duy Khanh, chủ điểm du lịch dựa vào cộng đồng Mười Ngọt, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời và anh Châu Ngọc Sang, chủ cơ sở ba khía muối Rạch Gốc Châu Sang, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, từng trăn trở về con đường lập thân, lập nghiệp của riêng mình.

Anh Phạm Duy Khanh chọn con đường “lên rừng”, gắn bó với cây tràm, mùa ong mật và sản vật vùng U Minh Hạ. 60 ha rừng tràm vùng đệm hoang hoá là tài sản đầu tiên mà gia đình anh Khanh khởi đầu ước mơ từ năm 2015. Sau đó là quãng thời gian ngủ muỗi, đổ máu vì vắt cắn, chịu vất vả để nuôi tràm lớn. Kế hoạch của anh Khanh rất rõ ràng: “Phải tái tạo lại hệ sinh thái rừng tràm U Minh Hạ, có tràm rồi thì có ong, dưới kinh mương là cá đồng. Tựa vào huê lợi từ rừng, nuôi dưỡng rừng, bước kế tiếp, cũng là hướng đi lâu dài, chính là làm du lịch!”.

Nhiều người thấy cách tính toán của cha con ông Mười Ngọt thì cười: “Mấy cha con ông này rảnh, ai đời đâm đầu vô xứ rừng rú để chịu cực!”. Nhưng anh Khanh không nghĩ vậy: “Sau vài mùa khôi phục, gìn giữ môi trường rừng, bầy ong kéo về. Chỉ riêng nguồn thu từ gác kèo ong mật thôi đã lên vài ngàn lít, còn thêm nguồn lợi từ ong ruồi, cá đồng... Với tôi, ở rừng tràm thì không bao giờ sợ nghèo”.

Anh Châu Ngọc Sang quê xã Tân Thành, TP Cà Mau, tốt nghiệp đại học về công tác ở huyện Ngọc Hiển. Về xứ biển, anh Sang đâm ghiền vị ba khía muối ngon lừng danh của xứ này. Mê ba khía muối quá, anh Sang quyết chí học nghề muối ba khía, ăn cho đã thèm. Trong câu chuyện của mình, anh Sang khẳng định: “Xứ Rạch Gốc - Tân Ân này, hỏi 10 người thì 9 người biết làm ba khía muối”. Ban đầu, anh Sang làm đãi anh em, sau đó, như một cơ duyên, tay nghề của anh được đồn thổi tới mức có nhiều người đặt hàng làm ba khía muối. Ðến năm 2017, anh nghỉ việc, chọn cho mình nghề ba khía muối làm tương lai.

Anh Châu Ngọc Sang, người mang thương hiệu ba khía muối Rạch Gốc vươn xa.

Với anh Sang, ba khía muối không đâu ngon như ở xứ Rạch Gốc, bởi nguyên liệu ba khía thượng hạng, thịt chắc thơm, gạch son đỏ au. Khi nghề ba khía muối Rạch Gốc được vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, anh Sang càng vững tin cho lựa chọn của mình. Ba khía muối Rạch Gốc của cơ sở Châu Sang không chỉ được ưa chuộng khắp Nam Bộ, mà còn vươn xa ra thị trường cả nước, với sản lượng trên 3 tấn thành phẩm/tháng.

Nâng giá trị nghề xưa

Trong khi nhiều nghề truyền thống đang ngắc ngoải với những nỗ lực phục dựng, bảo tồn, thì thật kỳ diệu, hai nghề di sản ở Cà Mau không chỉ được gìn giữ mà còn được phát huy với những giá trị mang lại khó có thể đong đếm.

Linh hồn của điểm du lịch dựa vào cộng đồng Mười Ngọt của anh Phạm Duy Khanh chính là trải nghiệm gác kèo ong. Hoà mình vào rừng tràm U Minh Hạ, du khách tự mình len lỏi giữa đại ngàn, hồi hộp tiến vào kèo ong, thổi khói, tự tay cắt mật, vác tàn ong mang về. Sau đó, tự mỗi người sẽ tận hưởng vị mật ngọt, thơm lừng hương tràm, thưởng thức những món ẩm thực vô cùng độc đáo từ ong mật. Những khoảnh khắc đó đáng giá cho một chuyến đi về xứ Cà Mau với bất cứ ai.

“Rừng tràm có ở nhiều nơi, ong mật có ở nhiều nơi, nhưng nghề gác kèo ong là duy nhất, độc nhất ở U Minh Hạ”, đó là cái riêng mà anh Khanh lựa chọn khi làm du lịch. Từ ong mật, Mười Ngọt chế biến thêm nhiều món ngon: mắm ong, gỏi nhộng ong, tàn ong chiên, cháo nhộng ong... Toàn bộ quy trình và sản phẩm của nghề gác kèo ong đều trở thành sản phẩm du lịch, trở thành giá trị kinh tế hiện hữu. Bằng cái tâm với rừng tràm, với nghề di sản, anh Khanh đã giới thiệu được tới mọi người một nét văn hoá đẹp của Cà Mau.

Anh Phạm Duy Khanh (bên trái) quyết tâm giữ gìn và phát triển nghề di sản gác kèo ong mật U Minh Hạ.

Trong khi giá trị nhiều di sản văn hoá phải cảm nhận qua chữ nghĩa, tư liệu, lời kể... thì cái hay của nghề di sản Cà Mau là người ta có thể thưởng thức tức thời, cảm nhận bằng tất cả các giác quan. Ba khía muối Rạch Gốc là bằng cớ sinh động. Người vùng Rạch Gốc - Tân Ân coi đây là món “đắp đầu gối”, mặc cho xứ này không thiếu gì sản vật ngon lạ khác. Một bữa mưa dầm, nồi cơm nấu xong, bốc ba khía muối ăn kèm thì chắc cú “lủng đáy xoong”. Món ăn dân dã ấy, hoá ra để thương để nhớ ngàn đời và trở thành di sản văn hoá một cách chính danh.

Anh Châu Ngọc Sang sâu nghĩa, nặng tình với nghề muối ba khía, vì sinh kế là một lẽ, và còn ước ao khác: “Ðể nghề ba khía muối của người xưa, con ba khía muối Rạch Gốc vang xa tiếng thơm ngon”. Ðể hiện thực ước ao ấy, anh Sang ngoài việc kế thừa kinh nghiệm dân gian, đã đầu tư dây chuyền, máy móc, kho trữ và khép kín quy trình muối ba khía. Ba khía muối Rạch Gốc qua bàn tay, khối óc của người trẻ không chỉ giữ được vị thơm ngon huyền thoại, mà còn vươn mình trở thành mặt hàng thực thụ, sẵn sàng đến với thực khách muôn nơi.

Về Cà Mau, dù lên rừng hay xuống biển, người ta đều có thể tìm thấy cho mình những nhung nhớ, yêu thương. Xứ sở này, có những người trẻ lưu giữ nghề xưa, kiến tạo tương lai từ thẳm sâu nguồn cội./.

Theo Báo Cà Mau