Để các tổ chức, cá nhân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP, UBND huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn và UBND các xã, thị trấn xây dựng lộ trình thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp và triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động mọi nguồn lực xã hội để thực hiện. Huyện tích cực thực hiện, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, từ đó các chủ thể ngày càng tin tưởng, thấy được lợi ích của chương trình OCOP và đã mạnh dạn đăng ký tham gia.
Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, bưởi da xanh ruột hồng của Hợp tác xã Cây ăn trái sạch Khánh Hưng được nhiều thương lái đặt mua.
Sau khi sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao, các chủ thể có khá nhiều thuận lợi trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Ông Lê Minh Ðức, Cơ sở sản xuất cá khô bổi Ba Ðức, Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời, cho biết: "Từ khi sản phẩm cá khô bổi của cơ sở được xếp hạng OCOP 3 sao thì khách hàng rất tin tưởng, đầu ra khá ổn định. Bây giờ, đa số người tiêu dùng đều lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng mới mua. Khi một sản phẩm đã được công nhận OCOP 3 sao, người tiêu dùng có thể tra cứu hoặc tìm hiểu thông tin về sản phẩm một cách dễ dàng, nhanh chóng, biết được chất lượng sản phẩm nên họ yên tâm sử dụng".
Ông Trần Duy Thanh, Cơ sở sản xuất chuối khô Bảy Hoàng, Ấp 10B, xã Trần Hợi, phấn khởi: "Sau khi được công nhận OCOP 3 sao, sản phẩm chuối khô của cơ sở bán rất chạy, tăng số lượng từ 20-50% so với lúc trước. Thời gian gần đây, chủ yếu chúng tôi giao hàng cho các đầu mối ở các tỉnh, với số lượng lớn nên cơ sở phải hoạt động liên tục mới đủ nguồn cung cấp theo đơn đặt hàng".
Do thấy được lợi ích của chương trình OCOP là nhằm tăng giá trị sản phẩm hàng hoá của người dân, nên thời gian gần đây có nhiều chủ thể làm hồ sơ đăng ký tham gia OCOP. Ðối với các sản phẩm đã được xếp hạng 3 sao, 4 sao, các chủ thể đang tiếp tục cải tiến quy trình, kỹ thuật sản xuất, đầu tư thêm thiết bị, máy móc để hướng tới nâng hạng sản phẩm.
"Thời gian tới, cơ sở tiếp tục phấn đấu để sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao. Theo tôi, việc phấn đấu nâng hạng cho sản phẩn OCOP càng khó thì giá trị sản phẩm của mình càng cao, khách hàng càng tin tưởng hơn", ông Lê Minh Ðức chia sẻ.
Hiện tại, Cơ sở sản xuất cá khô bổi Tám Oanh, ấp Kinh Cũ, xã Trần Hợi, đã có 2 sản phẩm được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao, gồm cá khô bổi và cá khô bổi 1 nắng. Tuy nhiên, ông Trần Văn Tám, chủ cơ sở, vẫn chưa hài lòng với kết quả đã đạt được mà quyết tâm nâng sao cao hơn nữa cho sản phẩm. Ông Tám chia sẻ: "Ðã qua, hầu hết người tiêu dùng đều lựa chọn các loại sản phẩm OCOP để mua sử dụng. Vì vậy, sản phẩm của cơ sở đã được công nhận OCOP 4 sao sẽ có lợi thế rất lớn trong việc lưu thông ra thị trường. Thời gian tới, cơ sở tiếp tục thực hiện các bước sản xuất theo quy trình, khi nào đủ điều kiện sẽ đề nghị nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao".
Hiện tại, Cơ sở sản xuất cá khô bổi Tám Oanh đã có 2 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao.
Ðược sự quan tâm của các ngành, các cấp và UBND các xã, thị trấn trong việc triển khai chương trình OCOP, nên sản phẩm của huyện ngày càng đa dạng, có tiềm năng, lợi thế phát triển sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP đã được công nhận từng bước tạo được sự quan tâm của khách hàng, nhà phân phối, các đại lý trong và ngoài tỉnh.
Cùng với việc nâng sao cho sản phẩm, các chủ thể OCOP đã tích cực nghiên cứu thị trường, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, yêu cầu của nhà phân phối, đại lý để phát triển và không ngừng hoàn thiện sản phẩm. Cơ sở vật chất kỹ thuật, máy móc thiết bị được các chủ thể quan tâm đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa trong thời gian tới./.
Theo ANH QUỐC (Báo Cà Mau)