Năm 2022, kết quả kinh tế nông nghiệp có thể chưa đạt được như sự kỳ vọng của người dân, nhưng đã có nhiều chuyển biến rất đáng khích lệ. Sản phẩm OCOP trong tỉnh tăng về số lượng lẫn chất lượng, quy mô; hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô ngày càng lớn, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được hình thành góp phần tăng năng suất, giá trị nông sản...
“Ðổi mới, nâng cao vai trò của kinh tế hợp tác, lấy kinh tế hợp tác làm nền tảng để tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết nông hộ, liên kết các nguồn lực để sản xuất theo quy mô lớn, tập trung, đáp ứng nhu cầu sản phẩm hàng hoá cho thị trường, nhất là những sản phẩm chủ lực và chương trình OCOP tỉnh…”, đó là những định hướng mà ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết ngành sẽ tập trung triển khai quyết liệt trong năm 2023 cũng như những năm tiếp theo.
Cơ cấu giống lúa trên địa bàn tỉnh đã được chuyển đổi sang nhóm lúa chất lượng cao chiếm hơn 45,1%, nhóm lúa thơm đặc sản (ST24, ST25, RVT và Ðài Thơm 8...) chiếm 48,3%.
Với những nỗ lực thời gian qua, đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 198 HTX, trong đó có đến 176 HTX nông nghiệp đang hoạt động; 790 tổ hợp tác và 28 trang trại đáp ứng các tiêu chí quy định. Hiện toàn tỉnh đã công nhận 101 sản phẩm OCOP, trong đó có 98 sản phẩm 3 sao, 3 sản phẩm 4 sao.
Sản xuất theo chuỗi giá trị tiếp tục phát triển, đến nay, trên lĩnh vực thuỷ sản có 5 công ty chế biến xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục phối hợp với các Ban Quản lý rừng phòng hộ và các đơn vị có liên quan mở rộng diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tôm - rừng. Lĩnh vực trồng trọt cũng đã có 23 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa. Ðối với chăn nuôi có 6 doanh nghiệp, 2 trại nuôi heo tập trung liên kết với các công ty…
Ðó là những kết quả có thể khẳng định nông dân đang chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Với nền tảng này, cùng những giải pháp mà ngành đã đặt ra, hứa hẹn sẽ tiếp tục tạo ra những con số tăng trưởng ấn tượng cho nền nông nghiệp Cà Mau trong những năm tiếp theo.
Thời gian vừa qua, nhiều sản phẩm, ngành hàng nông nghiệp của tỉnh đã xuất khẩu vào thị trường chính, thị trường khó tính nhất trên thế giới đều tăng cao. Cụ thể, kết thúc năm 2022, xuất khẩu nông sản vào thị trường EU tăng 40,9%, Australia tăng 85,2%, Canada tăng 22,7%, Hàn Quốc tăng 14,1%, Nhật Bản tăng 13,6%... Ðiều đó chứng tỏ nông sản của chúng ta đã đáp ứng tốt trên thị trường quốc tế, mở ra cơ hội cho chiến lược dài hơi về sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ðể tiếp tục phát huy cơ hội này, ông Vũ cho biết thêm, thời gian tới tiếp tục tập trung đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện từng vùng, sản phẩm hàng hoá. Ðổi mới, nâng cao vai trò của kinh tế hợp tác, lấy kinh tế hợp tác là nền tảng để tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết nông hộ, liên kết các nguồn lực để sản xuất theo quy mô lớn, tập trung, đáp ứng nhu cầu sản phẩm hàng hoá cho thị trường. Củng cố năng lực, vai trò và hiệu quả hoạt động các tổ chức hợp tác của nông dân trong các chuỗi, từ khâu cung cấp dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch đến tiêu thụ đầu ra, chế biến, bảo quản và tiếp cận thị trường. Ðẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng, tiểu vùng trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mô hình tôm càng xanh kết hợp trong vùng sản xuất lúa - tôm mang lại cho nông dân thu nhập cao.
Kế hoạch phát triển là vậy, nhưng ai cũng biết rằng nông nghiệp là lĩnh vực rất khó dự đoán được thị trường. Bởi từ lúc tổ chức sản xuất cho đến có sản phẩm mất rất nhiều thời gian và trong khoảng thời gian này nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng có thể biến động khác hẳn. Do đó, để giảm bớt khó khăn này, chỉ có giải pháp hữu hiệu nhất là xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp với nhau để hình thành những chuỗi ngành hàng.
Ðã qua, ngành nông nghiệp tỉnh có nhiều chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hoá với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao, đóng góp mạnh cho xuất khẩu, bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân trong xã hội và là trụ đỡ của nền kinh tế. Tuy nhiên, nông nghiệp là ngành rất dễ bị tổn thương bởi thị trường, giá cả vật tư đầu vào, dịch bệnh, thiên tai, thời tiết…
Ðể giảm thiểu những khó khăn cho ngành, ông Vũ cho biết thêm, thời gian tới sở tiếp tục phối hợp với ngành, đơn vị và địa phương đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản; ứng dụng công nghệ sinh học vào phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chứng nhận làm hạt nhân thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Ða dạng hoá sản phẩm chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao; tăng chế biến từ các phụ phẩm của sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng...
Sản xuất, chế biến theo thị hiếu của thị trường là xu thế đã xuất hiện từ nhiều năm qua. Ngày nay, để nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững, không chỉ chú trọng tăng năng suất, chất lượng mà cần hướng về thị hiếu của các thị trường. Có như vậy mới có thể giúp nền nông nghiệp tiếp tục vượt qua nhiều khó khăn, thách thức đang còn ở phía trước.
Trong định hướng phát triển của năm 2023 và những năm tiếp theo, ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu tiếp tục giữ ổn định diện tích nuôi tôm khoảng 280.000 ha. Trong đó, ưu tiên phát triển nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi tôm quảng canh cải tiến, quảng canh cải tiến 2, 3 giai đoạn, tôm - lúa, tôm - rừng, nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ, để nâng cao chất lượng và hiệu quả. Ðối với trồng trọt, giữ ổn định diện tích gieo trồng khoảng 108.000 ha, năng suất bình quân 4,5-4,8 tấn/ha, trong đó bố trí sản xuất lúa cao sản khoảng 70.000 ha, lúa - tôm, lúa mùa khoảng 40.000 ha. Xây dựng 2 vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo chất lượng cao khoảng 80.000 ha.
Theo Báo Cà Mau