Bác sĩ Nguyễn Văn Ðọc, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), cho biết, có nhiều bệnh lây nhiễm từ động vật sang người như: đậu mùa khỉ châu Phi, bệnh dại, liên cầu lợn, bệnh do vi rút cúm gia cầm A/H5N1... Hiện ngành y tế đã triển khai các giải pháp phòng tránh cũng như điều trị, khoanh vùng khi có tình huống xảy ra.
Công tác truyền thông về phòng, chống bệnh dại trên động vật cũng như lây nhiễm trên người khi bị động vật cắn được tiến hành thường xuyên, qua đó nâng cao ý thức cho người dân. Bệnh dại ở ÐBSCL thời gian qua gần như là bệnh lưu hành; riêng Cà Mau từ năm 2017-2020 có 15 trường hợp mắc bệnh dại tử vong và từ năm 2021 đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh dại trên người.
Nhân viên Trạm Kiểm dịch động vật Quản lộ Phụng Hiệp kiểm tra xe vận chuyển heo thịt.
Tuy nhiên, Bác sĩ Nguyễn Văn Ðọc cũng lưu ý: “Năm 2022 có 15 ổ dịch dại trên động vật và 11 tuần năm 2023 có 4 ổ dịch dại trên động vật, hầu như xảy ra ở các huyện và thành phố. Ðiều đáng mừng là hiện nay công tác truyền thông hiệu quả, phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ bệnh dại trên người do động vật cắn, đi tiêm vắc xin và huyết thanh ngừa dại theo đúng chỉ định của ngành y tế, qua đó chưa ghi nhận bệnh dại trên người. Hy vọng chúng ta có thể duy trì điều này trong nhiều năm nữa và tiến tới năm 2030 Cà Mau không có trường hợp bệnh dại trên người. Riêng cúm A/H5N1 Cà Mau nhiều năm chưa ghi nhận trên người”.
Mặc dù vậy, ngành y tế cũng không chủ quan. Bác sĩ Nguyễn Văn Ðọc cho biết thêm: “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch giám sát các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút, triển khai đến các huyện, thành phố, nếu phát hiện những trường hợp nghi ngờ viêm phổi do vi rút thì tiến hành điều tra, lấy mẫu nhằm phát hiện sớm, khống chế kịp thời”.
Vấn đề được lưu ý hiện nay đó là bệnh liên cầu lợn bắt đầu xuất hiện ở một số tỉnh. Cục Y tế dự phòng đã có công văn yêu cầu tăng cường phòng, chống bệnh liên cầu lợn trên người khi hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế trong những tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm liên cầu lợn ở người tại một số tỉnh, thành phố.
Bệnh liên cầu lợn là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ðọc cho biết: “Cà Mau nhiều năm qua chưa ghi nhận trường hợp này. Tuy nhiên, CDC tích cực phối hợp khối điều trị và dự phòng, kể cả với ngành thú y nhằm ghi nhận, phát hiện sớm những trường hợp bệnh lây nhiễm từ động vật sang người để xác định sớm ổ dịch nếu xảy ra”.
Theo đó, ngành y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch; các cơ sở khám chữa bệnh đặc biệt chú ý những trường hợp người bệnh có triệu chứng nghi nhiễm liên cầu lợn, khai thác tiền sử dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm điều trị bệnh nhân kịp thời để tránh tử vong và thông báo cho CDC để điều tra, xử lý ổ dịch.
“Hiện công tác truyền thông được tăng cường, nhất là tuyên truyền các biện pháp phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người, không ăn sản phẩm từ heo (lợn) chưa được nấu chín. Người dân khi có heo bệnh, chết phải báo ngay cho ngành chức năng để lấy mẫu nhằm phát hiện sớm, phòng tránh kịp thời”, Bác sĩ Nguyễn Văn Ðọc chia sẻ.
Về nhiệm vụ chuyên môn, đã tiến hành tập huấn cho khối dự phòng và khối điều trị cách phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm nhóm A, nhóm B nhằm phối hợp phòng chống. CDC đã triển khai tập huấn xong cho tuyến huyện và đang triển khai tập huấn cho tuyến xã nhằm giúp y tế cơ sở trang bị kiến thức phát hiện các ca bệnh ở cộng đồng.
“Trung tâm cũng đã phối hợp với các huyện, thành phố viết các quy trình hướng dẫn tạm thời nhằm phát hiện các ca bệnh theo các quyết định, hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngành y tế có kế hoạch giám sát tất cả các bệnh truyền nhiễm, đồng thời phối hợp với ngành nông nghiệp phòng chống các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người”, Bác sĩ Nguyễn Văn Ðọc thông tin thêm./.
Theo Báo Cà Mau