Thu hoạch tôm ở Cà Mau. (Nguồn: TTXVN)
Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nhân rộng các mô hình nuôi tôm có hiệu quả.
Cà Mau gia tăng tổng sản lượng tôm nuôi (tôm sú, tôm thẻ), đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu nhằm phấn đấu đạt giá trị kim ngạch 1,2 tỷ USD vào cuối năm 2019.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, các sở, ngành, địa phương cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân sản xuất theo đúng lịch thời vụ; chủ động những giải pháp ứng phó với tình hình thời tiết, triều cường dâng cao để hạn chế thấp nhất thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản.
Tỉnh chú trọng nhân rộng các mô hình nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường.
Mặt khác, các cơ quan cơ chức năng tăng cường quan trắc môi trường, nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát chất lượng tôm giống, phòng ngừa dịch bệnh trên tôm nuôi.
Ngành chuyên môn quan tâm hướng dẫn người dân về kỹ thuật, chuyển giao công nghệ nuôi tôm vừa mang lại năng suất cao, vừa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đảm bảo an toàn về điện, bảo vệ môi trường.
Toàn tỉnh hiện có hơn 300.000ha đất nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích đất nuôi tôm khoảng 280.000ha. Đến cuối năm nay, tỉnh phấn đấu nâng diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt 10.695ha và nâng diện tích nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến đạt 136.500 ha theo kế hoạch đề ra. Sản lượng thủy sản đạt 560.000 tấn; trong đó, có 208.500 tấn tôm.
Sáu tháng đầu năm 2019, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến đã đạt hơn 135.000ha, bằng 99 % kế hoạch, tăng 19,3% so cùng kỳ năm trước, diện tích thả nuôi đạt 96%.
Trong khi đó, diện tích ao nuôi tôm công nghiệp của tỉnh đạt 9.473ha, bằng 88,6% kế hoạch, giảm 1,5% so cùng kỳ năm trước, diện tích đang thả đạt chỉ đạt trên 50%. Sản lượng tôm đạt 93.350 tấn, bằng 44% kế hoạch, tăng 6,7% so cùng kỳ năm trước.
Giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 432 triệu USD, bằng 36% kế hoạch, tăng 1,2% so cùng kỳ năm trước.
Từ đầu năm đến nay, tác động của yếu tố thời tiết, môi trường đã ảnh hưởng đến tổng sản lượng tôm nuôi của toàn tỉnh. Cụ thể, diện tích ao nuôi tôm công nghiệp bị nhiễm bệnh khoảng 85ha; diện tích ao nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến bị nhiễm bệnh khoảng 4.879ha, mức độ thiệt hại khoảng 30-50% diện tích nuôi./.
Theo KIM HÁ (Vietnam+)