Cà Mau: Tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm đan đát

18/10/2022 - 10:15

Thời gian gần đây, nghề đan đát dần bị mai một do nhiều nguyên nhân. Thế nhưng, ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, vẫn còn nhiều phụ nữ tâm huyết với nghề. Ðặc biệt, chị em ở đây còn tìm tòi làm ra những sản phẩm mới để tăng thêm thu nhập.

Hiện tại, trên địa bàn xã Nguyễn Phích thành lập được 3 tổ đan đát với khoảng 30 thành viên. Ngoài ra, còn nhiều hộ đan đát nhỏ lẻ vẫn duy trì làm nghề. Bên cạnh các sản phẩm thủ công truyền thống vẫn được thị trường ưa chuộng như rổ, xịa, ghế lót nồi, thúng…, giờ đây, các chị bắt đầu nhận những đơn đặt hàng để làm ra các sản phẩm mới.

Chị Lữ Thu Hồng, Phó chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Phích, cho biết: “Bên cạnh những sản phẩm truyền thống vẫn có một số sản phẩm được bà con cải tiến thêm, những sản phẩm thu nhỏ để phục vụ khách du lịch, hoặc trưng bày, trang trí ở những nhà hàng, quán ăn, quán cà phê”.

Phát triển sản phẩm đan đát gắn với du lịch sẽ mở ra cơ hội mới cho người dân làm nghề.

Do là những sản phẩm mới nên việc làm quen bước đầu cũng gặp nhiều khó khăn. Vì những sản phẩm đan đát thu nhỏ đòi hỏi sự tỉ mỉ và khó gia công hơn các sản phẩm truyền thống. Theo tính toán, mặc dù sản phẩm mới ít tốn nguyên liệu, giá cao hơn nhưng ngày công bỏ ra nhiều hơn nên việc bán các sản phẩm này cũng tương đương với thu nhập từ đan đát truyền thống.

Bà Dư Thị Út Em, Ấp 3, xã Nguyễn Phích, chia sẻ: “Tôi làm những sản phẩm phục vụ cho du lịch như thúng bông, thúng nhỏ, rồi bội gà, thắt giỏ nhỏ, đan quạt nhỏ cho khu du lịch. Ban đầu làm cũng chậm lắm, khó làm hơn tại vì nó hơi nhỏ, nhưng dần rồi cũng quen tay”.

Bà Nguyễn Thị Bé, Ấp 3, xã Nguyễn Phích, bộc bạch: “Gia đình tôi làm nôm, đan xề, đan rổ, làm đòn gánh (thu nhỏ), gạt tàn thuốc… Ai dặn bao nhiêu thì mình làm bấy nhiêu. Nhiều khi cũng làm nhiều để chờ hội chợ bán. Các sản phẩm này giá cả cao hơn làm đồ truyền thống nên cũng mang về nguồn thu nhập khá”.

Trải qua bao khó khăn, thăng trầm, nghề đan đát truyền thống ở xã Nguyễn Phích đã và đang tồn tại bởi những phụ nữ cần mẫn. Ðặc biệt, nhiều phụ nữ trẻ cảm thấy yêu nghề và quyết tâm giữ lại nghề truyền thống. Các chị đã tập hợp lại thành những tổ hợp tác, có sự liên kết với nhau trong sản xuất để tìm tòi những hướng đi mới và đầu ra cho sản phẩm. Nhưng điều mà các chị mong muốn là tìm được đầu ra ổn định.

Chị Liên Ngọc Giàu, Tổ trưởng Tổ Ðan đát Ấp 3, xã Nguyễn Phích, bộc bạch: “Tôi thành lập tổ đan đát rồi chia ra, người làm thúng, người làm rổ, đòn gánh... Hoặc bên hội phụ nữ thông báo có hội chợ, mình phân công chị em đan rồi đứng ra gom. Nếu hội phụ nữ tìm được đầu ra ổn định giúp bà con thì nghề này cũng phát triển lắm".

Bên cạnh giá cả, đầu ra chưa ổn định, có một trở ngại lớn đối với nghề đan đát là việc tìm nguyên liệu tre trúc ngày càng khó khăn hơn. Việc chuyển dịch sang nuôi tôm đã làm diện tích tre trúc thu hẹp dần. Hiểu được những trăn trở của bà con làng nghề đan đát, hiện nay, các cấp, các ngành đang nỗ lực tìm hướng đi mới cho nghề đan đát truyền thống.

Chị Lữ Thu Hồng thông tin: “Hội LHPN xã sẽ tiếp tục làm tham mưu cho lãnh đạo để quảng bá các sản phẩm, đặc biệt là đưa sản phẩm đến các khu du lịch để giới thiệu đến du khách”.

Phát triển nghề đan đát không chỉ tạo thu nhập cho bà con mà còn là yêu cầu mang tính cấp thiết nhằm bảo tồn và phát huy nghề truyền thống. Một khi bà con có thể sống được với nghề thì chắc chắn nghề đan đát truyền thống sẽ còn tồn tại với thời gian./.

Theo Báo Cà Mau