Năm nay là một năm thành công lớn với ngành hàng cá tra. Tuy nhiên, việc giá cá tra lên cao trên cả thị trường nội địa và cả thị trường thế giới, lại đang đặt ra nhiều thách thức với cá tra Việt Nam trong những năm tới, nhất là sự cạnh tranh từ các nước khác cũng đang đẩy mạnh nuôi cá tra.
Thu hoạch cá tra (ảnh Lê Hoàng Vũ)
Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), trước đây, trên thị trường cá thịt trắng ở Mỹ, giá cá tra luôn thấp hơn cá rô phi khoảng 5-6 cent/kg. Nhưng năm nay, lần đầu tiên, giá cá tra đã cao hơn cá rô phi với khoảnh cách chênh lệch tới 1 USD/kg. Tại thị trường Trung Quốc (nước nuôi và XK cá rô phi hàng đầu thế giới), giá cá tra cũng cao hơn cá rô phi.
Chính vì vậy, nhiều nước trong khu vực đang ngày càng quan tâm hơn tới con cá tra. Có những nước, trước đây chính phủ từng có chương trình phát triển cá tra. Nhưng không thành công, nên đã tạm dừng lại. Giờ họ lại quay trở lại với loài cá này. Ở một số nước khác, nhiều DN thủy sản, TĂCN cũng đã chủ động đầu tư vào con cá tra. Những nước đang đẩy mạnh nghề nuôi cá tra là Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Bangladesh …
Thực ra, việc phát triển nghề nuôi cá tra ở các nước trong khu vực không còn là chuyện mới mẻ, mà đã diễn ra từ nhiều năm nay. Vì vậy, nếu như trước đây, Việt Nam từng chiếm tới hơn 90% sản lượng cá tra toàn cầu, thì đến nay, chỉ còn chiếm hơn 50%. Tuy nhiên, do gặp phải một số vấn đề, nhất là về chất lượng, nên cá tra nuôi ở các nước khác chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa là chính. Còn trên thị trường XK, Việt Nam vẫn đang chiếm lĩnh thị trường cá tra thế giới.
Theo các doanh nhân ngành cá tra, Việt Nam nhờ đã phát triển nghề nuôi cá tra liên tục qua hàng chục năm, lại được sự ưu đãi từ thiên nhiên, nên từ lâu đã sản xuất được cá tra thịt trắng với khối lượng lớn, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường khó tính như Mỹ, EU … Trong khi đó, những nước khác cũng nuôi cá tra, trong đó có cả những nước có nghề nuôi thủy sản phát triển mạnh như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc … lại chưa làm được điều này. Sản phẩm cá tra của họ chủ yếu vẫn là cá tra thịt vàng, nên không cạnh tranh được với cá tra Việt Nam về chất lượng. Giá thành sản xuất ở các nước khác vẫn chưa cạnh tranh được với giá thành cá tra Việt Nam.
Bên cạnh đó, sản lượng cá tra ở những nước khác vẫn còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nội địa. Như Thái Lan, dù đã nuôi cá tra từ nhiều năm nay, nhưng hàng năm vẫn phải NK cá tra với giá trị không nhỏ từ Việt Nam, để chế biến XK và phục vụ tiêu dùng nội địa.
Tuy nhiên, với việc các nước quan tâm nhiều hơn tới việc phát triển nghề nuôi cá tra khi mà giá sản phẩm này đang quá hấp dẫn, cộng với những sự tiến bộ mới về công nghệ, đã không khỏi khiến cho các doanh nhân ngành hàng cá tra Việt Nam phải lo lắng.
Trước hết, nhiều nước đang phát triển nghề nuôi cá tra như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ … vốn đang NK cá tra từ Việt Nam để phục vụ tiêu dùng nội địa. Nếu họ đẩy mạnh nghề nuôi cá tra, trước mắt có thể chưa ảnh hưởng mấy tới việc XK cá tra Việt Nam sang những thị trường khác, nhưng sẽ ít nhiều gây bất lợi cho XK cá tra Việt Nam vào chính những nước này. Một khi những nước này đã sản xuất được cá tra thịt trắng và sản lượng cá tra tăng cao, chắc chắn cá tra Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh không nhỏ trên thị trường cá tra toàn cầu.
Một số nước nuôi cá tra, đã bắt đầu thể hiện tham vọng xâm nhập vào các thị trường tiêu thụ quan trọng. Chẳng hạn, tại Triển lãm Seafex tổ chức ở Dubai (UAE), từ ngày 30/10-1/11 vừa rồi, Hiệp hội Doanh nhân cá da trơn Indonesia đã cho ra mắt thương hiệu cá tra với mục tiêu xâm nhập vào thị trường Trung Đông. Thông qua khẩu hiệu "Cá tra Indonesia - sự lựa chọn tốt", cá tra Indonesia đang được giới thiệu ra thế giới là sản phẩm được nuôi bằng chế phẩm sinh học, sử dụng nước ngầm sạch với mật độ nuôi thấp.
Trước tình hình đó, bà Trương Thị Lệ Khanh cho rằng với những lợi thế sẵn có về thiên nhiên, trình độ nuôi, chế biến … các DN cần tạo ra sự khác biệt của cá tra Việt Nam về mặt chất lượng. Bên cạnh đó, ngành cá tra, từ nuôi đến chế biến vẫn còn nhiều tiềm năng để giảm giá thành sản xuất. Đồng thời xây dựng một hình ảnh tốt đẹp về cá tra Việt Nam. Đây là những khâu quan trọng để giữ vững được khả năng cạnh tranh của cá tra Việt Nam, không chỉ với cá tra của các nước khác, mà còn với cả các mặt hàng cá thịt trắng khác như cá rô phi, cá tuyết…
Theo THANH SƠN (Nông Nghiệp)