Toàn tỉnh hiện có trên 2.200ha nuôi thủy sản, trong đó diện tích nuôi cá tra thâm canh 454ha.
Người nuôi cá tra lời thấp
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, toàn tỉnh hiện có 213 cơ sở nuôi cá tra thâm canh trên 334ha đang thả nuôi (trong tổng số hơn 454ha), tăng 12%; ước sản lượng trên 63.755 tấn, tăng 4.442 tấn so cùng kỳ năm 2018.
9 tháng đầu năm, giá thu mua cá tra nguyên liệu trung bình dao động 22.000- 29.500 đ/kg, giảm từ 3.000- 4.000 đ/kg so cùng kỳ năm ngoái.
Theo khảo sát và phân tích của Sở Tài chính, giá thành sản xuất cá tra nguyên liệu bình quân đợt I/2019 là 20.298 đ/kg, với mức giá trung bình như trên thì người nuôi có lời thấp.
Trong khi đó, nếu tính từng thời điểm thì người nuôi cá tra có “khi lời, khi lỗ”. Cụ thể theo số liệu của Sở Nông nghiệp- PTNT, trong quý I-2019, giá cá tra nguyên liệu tại ao dao động 24.000- 29.500 đ/kg.
Tuy nhiên, đến tháng 4, 5 giá cá tra nguyên liệu có xu hướng giảm mạnh còn 24.000- 25.000 đ/kg, đến tháng 6 giảm còn 22.000-23.000 đ/kg. Riêng từ tháng 7 đến nay, giá cá tra dao động ở mức 20.000- 21.000 đ/kg.
Thực tế nhiều hộ nuôi cá tra ở Mang Thít cho hay giá cá nguyên liệu hiện nay chỉ ở mức 19.000 đ/kg, nhiều ao cá tới size (cỡ) buộc phải bán vì để “huốt” size còn khó bán hơn.
Ông Nguyễn Phước Hải ở ấp Hòa Phú (xã An Phước- Mang Thít) cho biết ao cá hơn 400 tấn sắp tới ngày xuất ao nhưng hiện giá thấp.
“Tui tính giá thành hiện nay khoảng 23.000 đ/kg, người nuôi cầm lỗ chắc. Còn so sánh mức giá thời điểm cao nhất năm ngoái, mỗi ký cá mất tới mười mấy ngàn. Hiện nay hộ nuôi cá phải liên kết với doanh nghiệp thức ăn, tiêu thụ mới sống được”- ông Hải nói.
Để hạn chế rủi ro thị trường, đầu ra- theo Chi cục Thủy sản tỉnh- hiện nay các cơ sở nuôi rất chú ý quy trình sản xuất chất lượng và hiện 90% cơ sở nuôi cá tra đã được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Cùng với chuyển giao khoa học kỹ thuật của ngành thủy sản, ý thức của người nuôi nâng cao đã góp phần tăng tính cạnh tranh cho cá nguyên liệu, tăng giá trị kinh tế và giảm giá thành sản xuất.
Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực là cá tra và cá lồng bè theo hướng liên kết chuỗi.
Xuất khẩu cá tra giảm 6 tháng liên tiếp
Theo VASEP, tính đến hết tháng 8-2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,3 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, đã 6 tháng liên tiếp kể từ tháng 3-2019, giá trị xuất khẩu cá tra giảm sút, trong đó, tại một số thị trường xuất khẩu lớn (đặc biệt là Mỹ) giảm mạnh.
Cụ thể, 8 tháng đầu năm Mỹ chi khoảng 187,9 triệu USD nhập khẩu cá tra từ Việt Nam và là nhà nhập khẩu lớn thứ 2. Tuy vậy, do sự giảm sút nhập khẩu mạnh từ hồi đầu năm nên so với cùng kỳ, giá trị nhập khẩu cá tra của Mỹ vẫn giảm 41,5% so với cùng kỳ.
Với thị trường Trung Quốc- Hong Kong, trong 8 tháng, giá trị xuất khẩu đạt 389,8 triệu USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ. Trong đó đáng lưu ý là, tháng 8-2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường
Trung Quốc đạt 69,8 triệu USD, chiếm đến 40,6% tổng giá trị xuất khẩu và tăng 63,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Các loại cá được thị trường này yêu thích là cá tra phile đông lạnh; cá tra nguyên con xẻ bướm tẩm muối đông lạnh, bong bóng cá tra sấy; bong bóng cá tra đông lạnh; cá tra cắt khoanh đông lạnh; cá tra nguyên con đông lạnh; bao tử cá tra đông lạnh...
Riêng với thị trường EU, tổng giá trị xuất khẩu cá tra 8 tháng đạt 174,3 triệu USD, tăng 8,8% so với năm trước. So với 2 quý đầu năm, bắt đầu từ tháng 5/2019, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tại một số thị trường lớn tại EU đã chậm lại.
Hiện nay, một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vẫn duy trì sản phẩm cá tra giá trị gia tăng và organic sang Hà Lan, Đức.
Đây là những sản phẩm có giá nhập khẩu trung bình cao hơn so với sản phẩm cá tra phile đông lạnh truyền thống. Ngoài ra, thị trường ASEAN, Mexico và Nhật Bản cũng được đánh giá tiềm năng.
Theo dự báo của VASEP, xuất khẩu cá tra cuối năm tiếp tục giảm, nhưng không vượt quá 10% so với cùng kỳ. Do ảnh hưởng của tình hình xuất khẩu nên giá cá tra nguyên liệu trong thời gian tới khó có thể tăng cao.
Hướng tới hình thành chuỗi giá trị
Đánh giá của Sở Nông nghiệp- PTNT cho thấy, thị trường tiêu thụ nông sản (đặc biệt thị trường Trung Quốc) gặp nhiều khó khăn khiến giá một số mặt hàng nông sản như lúa, khoai lang, thanh long, thủy sản giảm thấp, người sản xuất lợi nhuận thấp.
Định hướng của ngành nông nghiệp là duy trì, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa đối tượng thủy sản. Tiếp tục phát triển các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực và thủy đặc sản hướng tới hình thành chuỗi giá trị hoàn chỉnh trong lĩnh vực thủy sản.
Theo Báo Vĩnh Long