Căn cứ Vườn Mận, ngày trở lại...

17/03/2023 - 10:19

“Trước anh linh các đồng chí và đồng bào, chúng tôi nguyện đem hết sức lực, tài năng, trí tuệ cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ TP Cần Thơ thân yêu mà các đồng chí hằng mong ước trong những ngày nằm gai nếm mật, sống chiến đấu gian khổ hy sinh trên mảnh đất này. Hôm nay, chúng tôi tổ chức “mâm cơm đồng đội”, kính mời vong linh quý Mẹ cùng các đồng chí, đồng đội nương theo hương khói về dùng cơm...”.

A A

Ðại tá Võ Tấn Dũng trao kỷ vật là khẩu súng cho Bảo tàng TP Cần Thơ.

Gọi tên đồng đội

Trong khói hương, lời văn khấn của Ðại tá Võ Tấn Dũng, Trưởng Ban Liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Biệt động Cần Thơ, trong Lễ giỗ Anh hùng, Liệt sĩ Biệt động Cần Thơ diễn ra tại Khu Di tích Căn cứ Vườn Mận (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) khiến nhiều người xúc động. Các cô, các chú tóc đã pha sương, mắt đỏ hoe, rưng rưng nhớ về đồng đội, nhớ về một thời chung lưng đấu cật chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, quê hương.

Nhiều năm qua, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 29-2 (tháng 2 những năm không có ngày 29 thì chọn ngày 28), cựu chiến binh Biệt động Cần Thơ lại tìm về Vườn Mận để cúng giỗ đồng đội, thăm căn cứ xưa. Ngày giỗ chung bắt nguồn từ ngày 29-2-1968, trong hào khí Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, cấp trên tái lập đại đội biệt động, lấy tên 292. Sau đó với đà phát triển, các đại đội biệt động khác ra đời như 293, 294, 823, 824. Các đơn vị đã thân quen và gắn bó với nhau như đại gia đình.

Năm nay, ngày giỗ chung lại có thêm sự kiện đặc biệt là Ban Liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Biệt động Cần Thơ tổ chức lễ đưa danh sách 203 cán bộ, chiến sĩ Biệt động Cần Thơ hy sinh vào Nhà trưng bày của Khu Di tích Căn cứ Vườn Mận. Ðại tá Võ Tấn Dũng cho biết, trải qua hai cuộc kháng chiến, được nhân dân đùm bọc, chở che, được sự lãnh đạo của Ðảng và các cấp chỉ huy, lực lượng Biệt động Cần Thơ đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, đặc biệt là được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong những thành tích đó, có xương máu của đồng chí, đồng đội và công sức của đồng bào, nhất là 203 cán bộ, chiến sĩ Biệt động Cần Thơ đã hy sinh, ngủ yên trong lòng đất mẹ.

Danh sách 203 cán bộ, chiến sĩ Biệt động Cần Thơ hy sinh lần này chỉ là bước đầu, bởi dù đã cố gắng, nhưng còn nhiều trường hợp ban liên lạc chỉ xác định được tên, đơn vị, hy sinh nhưng còn thiếu nhiều thông tin. Ðó là những cái tên đã được tạc vào lòng đồng đội: chiến sĩ Ðôi Anh, Ðôi Em, Bé Lưng Gù, Dũng, Hậu, Phúc, Hùng Trà Vinh, Hải Cà Mau... “Chúng tôi biết chắc là chiến sĩ Biệt động Cần Thơ và đã hy sinh trong thành phố và Lộ Vòng Cung nhưng chưa biết quê quán ở đâu, gia đình thân nhân các đồng chí có được công nhận gia đình Liệt sĩ chưa, sự thật rất đau lòng, luôn trăn trở”, Ðại tá Võ Tấn Dũng ngậm ngùi.

Theo Ban Liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Biệt động Cần Thơ, trong 203 cán bộ, chiến sĩ hy sinh có người còn chưa tìm thấy được hài cốt. Truy tập lại, có 203 đồng chí hy sinh, 66 không biết quê quán, 14 đồng chí chỉ biết tỉnh, 46 không biết năm hy sinh và nơi hy sinh, 130 đồng chí không biết năm sinh. Trong số 203 liệt sĩ, có 2 Thành Ðội trưởng, 1 Thị Ðội phó, 1 Thành Ðội phó, 22 Ðại Ðội trưởng, 11 Ðại Ðội phó, 8 Chính trị viên trưởng, 2 Chính trị viên phó.

Danh sách 203 cán bộ, chiến sĩ Biệt động Cần Thơ hy sinh được treo trang trọng trong Nhà trưng bày của Khu Di tích Căn cứ Vườn Mận, đồng chí nào thiếu chi tiết gì sẽ được để trống, tiếp tục sưu tầm bổ sung. Sau này khi đã có đầy đủ thông tin hơn, Ban Liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Biệt động Cần Thơ sẽ tiến hành xây dựng bia đá tưởng niệm.

Ngày trở lại Vườn Mận, đồng đội năm xưa gặp gỡ nhau, tay bắt mặt mừng, kể cho nhau nghe chuyện hồi đó, bây giờ, thắm thiết như cật ruột. Rồi mọi người đến trước danh sách 203 liệt sĩ, tìm tên đồng đội của mình. Những cái tên được gọi lên với bao trìu mến “đồng đội ơi!...”. Cô Trần Thị Miên (Mười Miên) năm nay đã 86 tuổi nhưng năm nào cũng từ Ô Môn về cúng giỗ đồng đội. Cầm 3 cây nhang khấn nguyện, cô rưng rưng nước mắt, lấy khăn rằn lau vội. Cô Mười nói: “Nhớ chuyện hồi chiến tranh, cô không cầm được nước mắt”. Còn cô Dương Thị Tuyết Vân, cựu chiến binh Biệt động Cần Thơ, thì nghẹn ngào: “Mỗi lần tới đây cô lại xúc động. Cô nhớ đồng đội cô, lại càng thương các đồng đội đã hy sinh, các gia đình Liệt sĩ”.

Kỷ vật

Ðại tá Võ Tấn Dũng kể rằng, Căn cứ Vườn Mận là căn cứ lõm, điểm tựa đứng chân để ta đánh vào Bộ Tư lệnh Vùng 4, sau này là Quân đoàn 4 chiến thuật của địch, chỉ cách căn cứ khoảng 5,5km. Xung quanh Căn cứ Vườn Mận còn có 9 đồn, bót và Chi khu Cái Răng của địch. Nhưng nhờ được sự đùm bọc, chở che của nhân dân, các cán bộ, chiến sĩ Biệt động Cần Thơ đã hoàn thành nhiệm vụ.

Ðiểm nhấn là trận phòng ngự 6 ngày đêm giữ Căn cứ lõm Vườn Mận (lúc bấy giờ thuộc ấp Lợi Dũ A, xã An Bình) của Lực lượng vũ trang TP Cần Thơ, từ ngày 28-9 đến 3-10-1970. Trận đánh này được Ðại tá Võ Tấn Dũng ghi khắc qua mấy vần thơ:

“Tiếng xưa Vườn Mận Vòng Cung

Có đội Biệt động kiên trung giữ làng

Bám dân không ngại gian nan

Lập nên chiến thắng vẻ vang 6 ngày”

Ðại tá Võ Tấn Dũng nhớ như in ngày 3-10-1970, ngày cuối cùng của trận chiến 6 ngày. 7 giờ sáng, địch bắn pháo cấp tập vào Căn cứ Vườn Mận. Ðồng chí Ðặng Văn Lợi, tức Bảy Lợi, Chính trị viên trưởng, Ðại đội trưởng Ðại đội Biệt động 293 bị trọng thương. Ðồng chí Bảy Lợi đã kêu đồng chí Võ Tấn Dũng lại, trao khẩu súng ngắn và nói: “Dũng, em thay anh chỉ huy, kiên quyết giữ vững trận địa. Ðưa anh về công sự nổi của bà Ba Hè”. Trận đánh tới 1 giờ chiều, địch tập trung bắn phá, pháo trúng ngay công sự nổi và đồng chí Bảy Lợi đã hy sinh. Ðồng chí Võ Tấn Dũng đã cùng đồng đội tiếp tục cầm súng chiến đấu.

53 năm sau, nhân giỗ chung Biệt động Cần Thơ năm 2023, Ðại tá Võ Tấn Dũng đã trao lại khẩu súng lịch sử ấy cho Bảo tàng TP Cần Thơ cùng câu chuyện thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội, sáng ngời tinh thần tiến công của người lính Cụ Hồ. Ðại tá Võ Tấn Dũng mong muốn khẩu súng sẽ trở thành hiện vật trưng bày để thế hệ hôm nay và mai sau biết thêm về lịch sử quê hương.

*    *    *

Thời gian đi qua, chiến tranh đã lùi xa, hòa bình bừng tươi sức sống mới trên quê hương Cần Thơ. Căn cứ Vườn Mận năm nào bom cày đạn xới, giờ đã là khu di tích khang trang, những gốc mận trổ trắng bông trong nắng ấm đầu Xuân. Biệt động Cần Thơ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử thiêng liêng nhưng chiến công hiển hách, những hy sinh và đóng góp to lớn của cán cán bộ, chiến sĩ biệt động vẫn luôn ngời sáng, vẫn là trang sử vàng chói lọi. Tổ quốc đời đời khắc ghi...

Theo Báo Cần Thơ