Cần Thơ: Cần có chính sách đãi ngộ, thu hút chuyên gia và nguồn nhân lực chất lượng cao

06/04/2023 - 08:59

Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TP Cần Thơ vừa tổ chức hội nghị góp ý, phản biện dự thảo nghị quyết của HÐND thành phố về quy định mức hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn và dự thảo quyết định của UBND thành phố về chế độ khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Các đại biểu đã góp ý, phản biện một cách thiết thực đối với nhiều nội dung trong dự thảo nghị quyết và dự thảo quyết định nêu trên.

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại cuộc họp.

Dự thảo quyết định của UBND thành phố về chế độ khuyến khích CBCCVC học tập nâng cao trình độ chuyên môn được nhiều đại biểu đồng tình ủng hộ về sự cần thiết ban hành. Bà Nguyễn Ý Nguyện, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn (HÐTV) Kỹ thuật - Công nghệ, Ủy ban MTTQVN thành phố, cho biết: “Việc nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ CBCCVC luôn được thành phố quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, UBND thành phố cần quan tâm chất lượng sau đào tạo để phục vụ tốt công việc chuyên môn. Bên cạnh đó, không nên ưu tiên đối tượng được cử đi học trong việc xem xét thi đua khen thưởng của cơ quan. Lý do trong quá trình học tập, người được cử đi học không thường xuyên giải quyết công việc của cơ quan”. Liên quan đến chế độ khuyến khích CBCCVC cũng được nhiều đại biểu góp ý thiết thực.

Ông Lê Văn Bảnh, Phó Chủ nhiệm HÐTV Kỹ thuật - Công nghệ, Ủy ban MTTQVN thành phố, nêu ý kiến: “CBCCVC được cử đi học có nghĩa vụ và trách nhiệm chấp nhận sự phân công, bố trí công tác của cơ quan có thẩm quyền và thực hiện đúng thời gian cam kết làm việc tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo. Tuy nhiên, một số CBCCVC sau khi hoàn thành chương trình đào tạo và được hưởng các chế độ đãi ngộ nhưng không phục vụ trong cơ quan, đơn vị của địa phương. Tôi đề nghị, đơn vị soạn thảo cần phải có những quy định và biện pháp chế tài cụ thể để tránh sự lãng phí tiền của Nhà nước đã bố trí cho CBCCVC đi học”.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị đơn vị soạn thảo phải căn cứ vào lĩnh vực, ngành nghề đào tạo phù hợp với kế hoạch đào tạo, nhu cầu xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của thành phố để hạn chế thấp nhất tình trạng những đối tượng được cử đi học sau khi hoàn thành chương trình đào tạo nhưng bố trí công việc không đúng với chuyên môn. Ngoài ra, thành phố cần có những chính sách đãi ngộ thu hút chuyên gia và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ phát triển của thành phố.

Thảo luận, góp ý dự thảo nghị quyết của HÐND thành phố về quy định mức hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố, có đại biểu lo ngại dự thảo nghị quyết không đảm bảo tính pháp lý. Ông Trần Ðức Hiếu, Phó Chủ nhiệm HÐTV Dân tộc tôn giáo, Ủy ban MTTQVN thành phố, cho biết: “Thành phố luôn quan tâm và có những chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách… Tôi đề nghị đơn vị soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung căn cứ pháp lý trước khi ban hành nghị quyết và rà soát lại những chính sách hỗ trợ của thành phố đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tránh sự chồng chéo khi ban hành nghị quyết”. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị đơn vị soạn thảo xem xét lại cách trình bày và diễn đạt văn phong chặt chẽ hơn để nội dung của nghị quyết phù hợp với thực tế và đảm bảo quy định của pháp luật. 

Ông Nguyễn Trung Nhân, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố đánh giá cao các ý kiến thảo luận, đóng góp, phản biện của các thành viên HÐTV, Ủy ban MTTQVN thành phố, để hoàn thiện các cơ chế, chính sách sắp được ban hành. Ủy ban MTTQVN thành phố tiếp thu các ý kiến phản biện của đại biểu tại hội nghị và sẽ tổng hợp chuyển đến các cơ quan chức năng hoàn thiện nội dung các dự thảo trước khi HÐND, UBND thành phố xem xét, quyết định.

Theo Báo Cần Thơ