Cần Thơ: Đầu tư xây dựng hạ tầng để xe buýt phát triển

15/09/2022 - 15:37

Nhằm tăng khả năng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, TP Cần Thơ đang triển khai các giải pháp phát triển hạ tầng, mở rộng vùng phục vụ cho xe buýt, nâng cao năng lực vận hành cho xe buýt.

Đoàn công tác khảo sát vị trí dự kiến xây bãi đỗ xe buýt trên địa bàn huyện Phong Điền.

Thời gian qua, TP Cần Thơ quan tâm đẩy mạnh phát triển các phương thức vận tải hành khách công cộng coi đây là giải pháp hữu hiệu để hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường. Trong đó, xe buýt được lựa chọn là loại hình vận tải hành khách công cộng chủ lực, tập trung đầu tư phát triển và đã có những bước tiến đáng ghi nhận. TP Cần Thơ đã phối hợp với Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines từng bước đưa vào khai thác 7 tuyến xe buýt nội tỉnh trên địa bàn với 36 xe buýt 40 chỗ sản xuất năm 2020 hãng Thaco và 6 xe buýt từ 20-24 chỗ thuộc hãng GAZ. Mạng lưới xe buýt cơ bản tiếp cận các quận, huyện của thành phố và kết nối một số tỉnh lân cận, đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của người dân, giảm bớt lưu lượng phương tiện cá nhân di chuyển vào nội thành.

Theo ghi nhận, hành khách đi các tuyến buýt ngoại thành ngày càng đa dạng. Khi được hỏi về chất lượng phục vụ của các tuyến buýt, đa phần người dân đều hài lòng, vui vẻ mỗi khi đi các tuyến buýt này. Chị Nguyễn Thị Thanh Ngân ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt chia sẻ: Trước đây, mỗi cuối tuần chị thường chạy xe máy từ nhà đến trung tâm thành phố để thăm người thân. Nhưng việc đi xe máy vừa không an toàn vì quốc lộ 91 xe cộ khá đông, vừa gặp thời tiết nắng mưa thất thường. Gần đây chị chuyển sang đi xe buýt và cảm thấy hài lòng vì thuận tiện, sạch sẽ, có máy lạnh, giá rẻ, thái độ phục vụ của tài xế, nhân viên rất nhiệt tình...

Việc mở mới các tuyến buýt trong thời gian vừa qua đã góp phần tăng cường tính kết nối của mạng lưới xe buýt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, nhất là khu vực ngoại thành vào trung tâm thành phố. Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vẫn chưa đồng bộ. Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, cho biết: Thành phố nghiên cứu mở thêm các tuyến xe buýt mới để tăng mạng lưới xe buýt, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Đồng thời, cung cấp kết cấu hạ tầng thiết yếu để phục vụ như bến xe buýt, nhà chờ, trạm dừng đỗ xe buýt hiện đại, hệ thống quản lý xe buýt thông minh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân…

Mới đây, UBND TP Cần Thơ vừa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án Trạm dừng, nhà chờ xe buýt: 501 điểm dừng đón trả khách hiện đại. Theo kế hoạch, có 13 gói thầu, tổng trị giá các gói thầu hơn 21 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Bao gồm: tư vấn thiết kế xây dựng công trình; tư vấn thẩm tra thiết kế xây dựng và dự toán công trình; tư vấn thẩm định giá trang thiết bị; tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu thi công xây dựng công trình nhà chờ, trạm dừng; tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị công nghệ thông tin cho các nhà chờ; thi công xây dựng công trình nhà chờ, trạm dừng; cung cấp, lắp đặt thiết bị công nghệ thông tin cho các nhà chờ; tư vấn giám sát gói thầu thi công xây dựng công trình nhà chờ, trạm dừng… Tùy theo gói thầu, sẽ thực hiện lựa chọn nhà thầu trong năm 2022 và năm 2023.

Theo đó, nhà chờ xe buýt hiện đại sẽ đặt trong khu vực đô thị các quận, huyện, tại các khu vực công cộng. Nhà chờ hiện đại, thẩm mỹ, có hệ thống băng ghế ngồi sạch sẽ; lắp đèn chiếu sáng, camera quan sát, biển báo, vạch kẽ giao thông; lắp đặt bảng thông tin chỉ dẫn: lộ trình, tuyến xe buýt, thời gian, quảng cáo… Bên cạnh đó, cải tạo lại vỉa hè vị trí lắp đặt, tạo lối lên xuống nhằm phục vụ cho người khuyết tật được tiếp cận hệ thống xe buýt và tạo điểm nhấn mỹ quan. Các trạm dừng đặt trên các tuyến giao thông ngoài khu vực trung tâm, gồm: biển báo, vạch kẻ giao thông…

Cùng đó, thành phố rà soát các vị trí điều chỉnh quy hoạch và dự kiến xây dựng các bãi đỗ xe buýt trên địa bàn để thực hiện đầu tư xây dựng. Theo Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, trên cơ sở triển khai Quy hoạch chi tiết mạng lưới bến bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2030, Sở được UBND thành phố giao lập chủ trương đầu tư xây dựng dự án các bãi đỗ xe buýt kết hợp điểm đầu - cuối xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ để thực hiện đầu tư xây dựng giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, trong quá trình lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, có 8/10 vị trí bãi đỗ xe buýt đã không còn phù hợp với thực tế hiện nay, với các quy hoạch phân khu, quy hoạch trung tâm thị trấn của các quận, huyện đã được phê duyệt. Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ kiến nghị điều chỉnh 8 vị trí, quy mô bãi đỗ xe buýt trên địa bàn quận Thốt Nốt, Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng và các huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ. Thời gian qua, thành phố tổ chức đoàn khảo sát thực tế vị trí bãi đỗ xe buýt trên địa bàn các quận, huyện. Trên cơ sở đó, Sở Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và các quận, huyện liên quan rà soát, tính toán để thống nhất vị trí, quy mô các bãi đỗ xe buýt. Trong đó lưu ý tính kết nối thuận lợi với các tuyến đường lớn, cũng như phục vụ nhu cầu phát triển địa phương...

* * *

Với các giải pháp đồng bộ, nhất là ưu tiên hơn về hạ tầng, hy vọng xe buýt sẽ trở thành phương tiện di chuyển tiện lợi với nhiều người dân, góp phần giảm ùn tắc, cải thiện năng lực giao thông cho thành phố...

Theo Báo Cần Thơ