Bước chuyển tích cực
Xếp dỡ thiết bị điện gió tại Cảng Cái Cui trực thuộc Công ty CP Cảng Cần Thơ.
Ông Lê Tiến Công, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Cần Thơ, chia sẻ: Năm 2021, Cảng Cần Thơ cơ bản thực hiện đạt kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra nhưng so với kỳ vọng còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân là do nền kinh tế chịu tác động từ đại dịch COVID-19, đứt gãy của chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến hoạt động của DN và tác động dây chuyền đến hoạt động cảng. Dù vậy, trong năm 2021, Cảng Cần Thơ tranh thủ thời gian để kiện toàn hoạt động, hoàn thiện trang thiết bị, đầu tư hệ thống kho bãi để nâng tầm năng lực phục vụ cho khách hàng tốt hơn. Những tháng đầu năm 2022, dịch bệnh được kiểm soát tốt, DN sau giai đoạn khó khăn đã có những bước thay đổi trong điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chuỗi cung ứng và chiến lược phát triển. Đối với hoạt động của Cảng Cần Thơ, nhờ chuỗi cung ứng được kết nối trở lại nên một số nhóm hàng hóa xuất nhập khẩu có chiều hướng phát triển tốt. Ví dụ như nhóm hàng hóa dịch vụ nổi trội của cảng là hàng thiết bị của các dự án điện gió ở khu vực ĐBSCL, các mặt hàng nông sản, gạo xuất khẩu, các mặt hàng nội địa như clinke, than đá, sắt thép dù đang giảm sút những tháng đầu năm nhưng Công ty kỳ vọng bước sáng tháng 3, DN đã có kế hoạch bắt nhịp khôi phục trở lại sẽ đẩy mạnh lưu thông, cung ứng hàng hóa. Trên tinh thần đó Cảng Cần Thơ sẵn sàng tinh thần phục vụ khách hàng tại TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL.
Khi DN khôi phục sản xuất cũng kéo theo các DN trong nhóm ngành, lĩnh vực có liên quan, DN tham gia chuỗi cung ứng cùng phục hồi, phát triển. Tại Cảng Cần Thơ, các chuyến hàng quý đầu năm có thể kể đến hoạt động nhập khẩu nhóm hàng siêu trường, siêu trọng phục vụ các dự án điện gió. Quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị giúp cảng phục vụ khách hàng tốt hơn và nhận được những phản hồi tích cực.
Ông Nguyễn Minh Hưởng, Giám sát giao hàng của Công ty Tagi Logistics cho biết: Công ty CP Tagi Logistics là đơn vị phụ trách vận chuyển hàng các thiết bị điện gió từ Cảng Cái Cui về công trường dự án ở Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Hàng thiết bị điện gió là nhóm hàng siêu trường siêu trọng đòi hỏi phải đảm bảo an toàn cao, tránh hư hại hàng hóa, đảm bảo an toàn giao thông... Trước những yêu cầu hết sức khắt khe này, chúng tôi tin tưởng hợp tác với Cảng Cái Cui, bởi Cảng có kinh nghiệm lâu năm, trang bị đầy đủ phương tiện hiện đại phục vụ xếp dỡ hàng và có đội ngũ công nhân bốc xếp được đào tạo bài bản, đúng quy trình an toàn. Vận chuyển hàng an toàn, đúng thời gian quy định cũng góp phần giúp đơn vị vận chuyển nâng cao uy tín với đối tác và tìm kiếm được các đơn hàng mới.
Các hoạt động kinh tế được mở cửa khôi phục dần và tốc độ phục hồi nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào những nỗ lực, quyết tâm của cộng đồng DN. Củng cố nội lực, gắn kết với người lao động để kiện toàn bộ máy, thắt chặt liên kết với đối tác để tìm kiếm thị trường... Mỗi mục tiêu kinh doanh đặt ra được DN vạch lộ trình và giải pháp cụ thể, phù hợp để triển khai thực hiện.
Hòa nhịp phát triển
Bước vào giai đoạn phục hồi, không ít DN của thành phố đã mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh, đặt ra kế hoạch kinh doanh cao hơn năm trước. Ông Ngô Văn Chơn, Giám đốc điều hành Công ty CP May Tây Đô, cho biết: Năm 2022, Công ty mạnh dạn đăng ký kế hoạch sản xuất kinh doanh cao hơn năm 2021 khoảng 20%. Thực tế, ở năm 2021, dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của công ty. Song với điều kiện sản xuất trong tình trạng bình thường mới, các nguồn lực hiện có về khách hàng, công ty chúng tôi mạnh dạn đặt ra kế hoạch mở rộng sản xuất, tăng trưởng kinh doanh. Kế hoạch mở rộng sản xuất đã được công ty vạch ra từ trước và đại dịch vừa qua cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy công ty tập trung đẩy mạnh tiến trình mở rộng sản xuất. Bởi công ty xác định tận dụng cơ hội cả nước đang từng bước phục hồi kinh tế - xã hội cũng như TP Cần Thơ đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Để thực hiện được kế hoạch, công ty cũng linh động xây dựng nhiều phương án để kiểm soát rủi ro; quan tâm chăm lo cho người lao động để người lao động yên tâm gắn bó với công ty. Đồng thời, thường xuyên tham khảo nắm bắt thông tin từ các sở, ban, ngành thành phố để kịp thời cập nhật các chính sách liên quan đến DN.
Để triển khai thực hiện Chính sách phục hồi sản xuất, trong Kế hoạch 35, Chủ tịch UBND thành phố giao các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện, tập trung nguồn lực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất công nghiệp, khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái mới gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, kiểm tra chặt chẽ, hướng dẫn kịp thời việc mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh cho DN theo đúng chủ trương, chính sách Nhà nước.
Đặc biệt, thành phố cũng đặt ra yêu cầu phải nỗ lực xây dựng và phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có lợi thế của thành phố, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm. Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch hỗ trợ DN thành phố ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực công nghệ, quản lý phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi tình hình khôi phục hoạt động của các DN xuất nhập khẩu; nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của các địa phương và cộng đồng DN để tận dụng, khai thác kịp thời những cơ hội mới.
Theo Báo Cần Thơ