Cần Thơ: Đột phá từ sản xuất giống hoa cấy mô

14/03/2020 - 09:40

Những năm gần đây, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) Cần Thơ đã thực hiện thành công 2 dự án về nhân giống các loại hoa cấy mô cấp thành phố và Trung ương. Qua đó, xây dựng được cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ cán bộ kỹ thuật vững vàng, hoàn thiện các quy trình, hệ thống sản xuất giống cấy mô, đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo vùng chuyên canh sản xuất hoa chất lượng, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập.

Mô hình trồng hoa hồng thương phẩm từ giống hoa cấy mô tại nhà vườn tham gia dự án. Ảnh: Trung tâm cung cấp

Từ hoàn thiện hệ thống sản xuất giống hoa cấy mô...

Hiện nay, ngành trồng hoa phong lan được xem là hướng đi đúng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích sản xuất phù hợp với tình hình đô thị hóa của thành phố, góp phần quan trọng cho việc nâng cao giá trị sản xuất cho ngành hoa kiểng nói chung. Qua điều tra, khảo sát, diện tích trồng lan ở thành phố Cần Thơ có tăng nhưng chậm. Cây giống hoa lan vẫn đang là yêu cầu cấp bách của nhà vườn để mở rộng diện tích trồng. Nhà vườn chủ yếu tiêu thụ cây cấy mô sản xuất từ Thái Lan, Đài Loan. Do đó, cần phải có phương án sản xuất cây giống tại chỗ, có chất lượng, để cung cấp cho sản xuất, vừa giảm bớt chi phí giá thành cây giống, vừa giảm chi phí nhập nội. Để đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường hoa lan đòi hỏi nguồn cây giống vô tính lớn, đồng nhất và chất lượng. Tuy nhiên, thực trạng Cần Thơ còn yếu và thiếu các đơn vị có năng lực sản xuất giống bằng các tiến bộ khoa học trong lĩnh vực công nghệ sinh học đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Dự án "Hoàn thiện hệ thống sản xuất giống hoa phong lan bằng kỹ thuật nuôi cấy mô, thủy canh, khí canh" do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ thực hiện từ năm 2015 đến năm 2018 hướng tới mục tiêu: hình thành khu vực chuyên sản xuất giống hoa phong lan ứng dụng công nghệ cao phục vụ nhu cầu phát triển nghề trồng lan, nhằm tạo tiền đề cho việc phát triển công nghệ sinh học thực vật, phục vụ công tác giống cây trồng và thúc đẩy phát triển du lịch.

Dự án đã tiếp nhận và hoàn thiện quy trình nhân giống các loại hoa: Cattleya, Dendrobium, Vanda và Mokara, lan Kim tuyến bằng kỹ thuật nuôi cấy mô từ các đơn vị chuyển giao như Trường Đại học Cần Thơ, Viện nghiên cứu Tây Nguyên. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện hệ thống ươm cây lan giống giai đoạn vườn ươm trên hệ thống khí canh tại trại thực nghiệm của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN và đạt kết quả tốt. Dự án đã xây dựng mô hình nhà lưới trồng hoa lan cắt cành 500m2 để so sánh với mô hình trồng hoa thương phẩm của nhà vườn và so sánh các phương pháp tưới, thử nghiệm trồng thủy canh tại trại thực nghiệm của Trung tâm. Kết quả ghi nhận 3 giống lan Mokara, Vanda và Dendrobium được trồng bằng phương pháp tưới phun đạt kết quả tốt so với tưới thông thường, hoa đạt chất lượng thương phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường, năng suất tương đương với mô hình của nhà vườn có kinh nghiệm trồng hoa lâu năm. Đối với phương pháp trồng thủy canh bước đầu cho thấy chưa đạt yêu cầu. Dự án đã đào tạo 2 kỹ sư nắm vững các quy trình nhân giống; tập huấn cho 50 cán bộ và nông dân về kỹ thuật trồng hoa lan cắt cành.

Bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ, Chủ nhiệm dự án, cho biết: "Dự án đã thực hiện giai đoạn 1: tập trung hoàn thiện các quy trình sản xuất, đào tạo nhân lực tạo cơ sở vững chắc. Sau khi kết thúc dự án trên cơ sở các kết quả đạt được, Ban Chủ nhiệm tiếp tục đề xuất với thành phố cho thực hiện tiếp giai đoạn 2 để hoàn thiện các hệ thống sản xuất, áp dụng sản xuất hàng loạt với quy mô công nghiệp phục vụ nhu cầu thị trường".

...Đến xây dựng thành công mô hình sản xuất hoa chất lượng cao

Từ thành công ban đầu của dự án cấp thành phố, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ tiếp tục phát huy việc sản xuất giống hoa cấy mô với dự án cấp Trung ương là: "Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất hoa chất lượng cao tại TP Cần Thơ". Dự án được thực hiện từ năm 2017 đến 2019, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh - Viện Nghiên cứu Rau quả Hà Nội là đơn vị hỗ trợ ứng dụng công nghệ.

Kỹ thuật nuôi cấy mô thực vật được xem là công cụ đắc lực trong công tác nhân giống cây trồng, nên thời gian qua kỹ thuật nhân giống hoa bằng phương pháp nuôi cấy mô đã được nhiều đơn vị, tỉnh, thành ứng dụng và đạt thành tựu khả quan. Tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi vào sản xuất rất cần có những bước khảo nghiệm, hoàn thiện quy trình phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Mô hình ứng dụng các giải pháp KH&CN sản xuất hoa thương phẩm chất lượng cao theo quy mô công nghiệp: thực hiện tại Hợp tác xã Hoa kiểng Phó Thọ và Hợp tác xã Hoa kiểng Bình An thuộc làng hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, với 33 hộ dân tham gia.

Dự án chuyển giao và tiếp nhận được các quy trình công nghệ nhân giống In vitro (nhân giống trong phòng thí nghiệm), In vivo (nhân giống vô tính ở ngoài phòng thí nghiệm) và sản xuất hoa thương phẩm trên 3 đối tượng: hoa hồng chịu nhiệt, hoa đồng tiền, hoa cúc. Sau đó, xây dựng thành công các mô hình ứng dụng, gồm: 2 mô hình nhân giống In vitro với 10.000 cây đồng tiền và 200.000 cây cúc; 3 mô hình sản xuất hoa thương phẩm: hoa đồng tiền quy mô 2.000m2, số lượng 10.000 cây;  hoa cúc quy mô 5.000m2, số lượng 200.000 cây; hoa hồng chịu nhiệt quy mô 1.500m2, số lượng 10.000 cây. Đồng thời, đào tạo được 10 cán bộ kỹ thuật chuyên sâu về công nghệ nhân giống In vitro, In vivo sản xuất hoa chậu theo quy mô công nghiệp; tổ chức 3 lớp tập huấn cho 180 lượt nông dân nắm vững kỹ thuật về sản xuất hoa thương phẩm chất lượng cao. Các sản phẩm của dự án được trồng vào vụ Tết, được bao tiêu sản phẩm. Tổng doanh thu của dự án đạt 2,27 tỉ đồng.

Ông Huỳnh Thanh Cần, nông dân tham gia dự án, chia sẻ: "Chúng tôi được cán bộ của dự án hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật trồng giống hoa cấy mô rất chi tiết, đầy đủ. Khi áp dụng thì thấy cây phát triển tốt hơn so với cách trồng truyền thống. Trong năm qua, bà con bán được giá cao vì chất lượng hoa đẹp hơn so với nơi khác". Việc tập huấn kỹ thuật sản xuất hoa được gắn liền với mô hình trình diễn, các học viên sẽ được thực hành ngay tại cơ sở sản xuất và cùng được  đánh giá kết quả sản phẩm do mình tạo ra. Ông Đoàn Hữu Bốn, Giám đốc Hợp tác xã Hoa kiểng Bình An, cho biết: "Dự án mang lại lợi ích là đảm bảo đầu ra và cây phát triển chất lượng nên các thành viên rất vui với kết quả đạt được. Đặc biệt, trước đây, Hợp tác xã chưa trồng được giống hoa hồng chịu nhiệt, nhưng nhờ được chuyển giao kỹ thuật từ dự án mà giờ đây đã thực hiện được các biện pháp nhân cây con, đảm bảo nguồn giống tốt và trồng hoa thương phẩm đẹp, chất lượng".

Từ thành công của 2 dự án trên, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ đã khẳng định được năng lực trong hoạt động chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao, sản xuất các giống hoa cấy mô cung ứng cho thị trường. Theo lãnh đạo Trung tâm, hiện đơn vị đã sẵn sàng thực hiện giai đoạn 2 của dự án sản xuất giống lan cấy mô cũng như nhận các đơn đặt hàng cây giống cấy mô các loại hoa cúc, hoa hồng, đồng tiền từ các nhà vườn hay các trung tâm, đơn vị ở các tỉnh, thành khác.

Theo LỆ THU (Báo Cần Thơ)