Hoạt động ký kết biên bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp TP Cần Thơ và tỉnh Lâm Ðồng.
Ông Lưu Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ, cho rằng, để phát triển doanh nghiệp cần có sự liên kết, hợp tác với nhau. Hội nghị kết nối giao thương được xem là tiền đề của sự hợp tác; góp phần tăng cường tuyên truyền quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng giữa các địa phương. Hoạt động còn nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp phục hồi sau thời gian dài bị ảnh hưởng dịch.
Chương trình kết nối giao thương đã thu hút các doanh nghiệp tỉnh Lâm Ðồng và TP Cần Thơ tham dự. Ðây là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản thế mạnh, sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm)… của 2 địa phương như mật ong; sản phẩm rau củ, trái cây sấy khô; trà xanh, trà thảo dược; cà phê, ca cao, hạt mắc ca; nấm tươi và các sản phẩm chế biến từ nấm đông trùng hạ thảo; gạo thơm, thủy sản đóng gói,…
Ông Trần Lê Bình, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết, sau hội nghị kết nối giữa 2 địa phương tổ chức tháng 10-2020, nhiều sản phẩm của tỉnh Lâm Ðồng đã tiêu thụ tốt tại thị trường TP Cần Thơ, đặc biệt là hoa tươi và các mặt hàng nông sản. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về phục hồi kinh tế và liên kết phát triển trong bình thường mới sau đại dịch COVID-19, Sở Công Thương TP Cần Thơ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị tổ chức kết nối đầu ra sản phẩm trên địa bàn TP Cần Thơ với các doanh nghiệp thu mua, phân phối nông sản trong và ngoài thành phố; chủ động tổ chức kết nối, đẩy mạnh thực hiện các chương trình liên kết hợp tác, cung ứng hàng hóa của các HTX, cơ sở sản xuất vào các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Do vậy, hoạt động giao thương giữa TP Cần Thơ và tỉnh Lâm Ðồng rất có ý nghĩa giúp hàng hóa nông sản, sản phẩm OCOP của mỗi địa phương có cơ hội mở rộng thị trường.
Lâm Ðồng là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên, có thế mạnh về trà, cà phê và các mặt hàng nông sản khác. Ông Hoàng Trọng Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Ðồng, chia sẻ: Trong bối cảnh của đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp; các hoạt động giao thương góp phần đẩy mạnh tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trong nước để giúp doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh cá thể, các hiệp hội, cùng các nhà sản xuất, kinh doanh của 2 địa phương mở rộng mạng lưới phân phối, ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước, góp phần duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Trong kế hoạch 2022 của chương trình khuyến công, chương trình xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Lâm Ðồng đến các địa phương tại khu vực miền Tây, trong đó tỉnh đặc biệt quan tâm đến thị trường TP Cần Thơ, được đánh giá là thị trường có thế mạnh của vùng. Bên cạnh đó, giữa 2 địa phương khá khác nhau về các thế mạnh hàng hóa, hy vọng việc hợp tác sẽ mang lại hiệu quả tốt đẹp.
Tham gia hoạt động giao thương tại TP Cần Thơ, các doanh nghiệp tỉnh Lâm Ðồng mong muốn giới thiệu những sản phẩm thế mạnh, trong đó nổi bật là các sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu, sản phẩm OCOP, đưa nhãn hiệu đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước, từng bước đưa các sản phẩm của Lâm Ðồng hội nhập sâu rộng vào thị trường các nước trong khu vực, mở rộng các thị trường truyền thống.
Ông Nguyễn Thanh Nhi, Giám đốc khu vực thị trường miền Tây, Công ty TNHH Phong Giang, cho biết, Công ty chuyên với các dòng sản phẩm trà oolong, trà xanh, trà thảo dược, trà hương… với 2 nhà máy đặt tại tỉnh Lào Cai và Lâm Ðồng. Chủ lực vẫn là dành cho xuất khẩu. Ðối với thị trường nội địa, công ty đầu tư mạnh vào dòng sản phẩm trà Hoa Lâm (trà lài, trà sen và trà sâm dứa). TP Cần Thơ được xác định là một trong những thị trường tiêu thụ, phân phối sản phẩm chủ lực phía Nam của doanh nghiệp. Doanh nghiệp hy vọng, tham gia quảng bá sản phẩm trong chương trình giao thương mong tìm kiếm nhiều hơn cơ hội hợp tác. Công ty đang hoạt động theo mô hình đại lý, thời gian tới sẽ nâng cấp theo hình thức nhà phân phối nên việc tìm kiếm đối tác lớn rất cần thiết. Doanh nghiệp sẽ đầu tư về hệ thống bán hàng cũng như áp dụng những chính sách hỗ trợ, hậu mãi tốt hơn cho người bán hàng.
Ông Trần Lê Bình, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho rằng, để việc kết nối giữa các doanh nghiệp, HTX của TP Cần Thơ và tỉnh Lâm Ðồng được bền vững trong thời gian tới, bên cạnh hỗ trợ các đơn vị đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu, giữa 2 địa phương cần hỗ trợ các sàn giao dịch thương mại điện tử; giới thiệu các hoạt động hội chợ triển lãm, kết nối giao thương với doanh nghiệp quốc tế, tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường. Về phía nhà phân phối cần hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp, HTX về những quy chuẩn, quy cách, của công ty khi thu mua các sản phẩm; những quy định trước khi ký Hợp đồng nguyên tắc. Doanh nghiệp, HTX chú trọng và hoàn thiện quy trình sản xuất, hướng đến sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt chuẩn quốc gia và tiến đến đạt chuẩn quốc tế; phát triển đa dạng các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tiềm năng xuất khẩu lớn; hướng đến phát triển những sản phẩm có giá trị tăng cao.
Theo Báo Cần Thơ