Cùng với khí thế lao động đang lan tỏa khắp các công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động (NLĐ) hân hoan khi nhiều cơ hội việc làm mở ra…
Tín hiệu vui
Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, thăm hỏi tình hình sản xuất và việc làm tại Nhà máy may Vinatex Cần Thơ. Ảnh: HỒNG VÂN
Trong ánh nắng vàng ươm như rót mật của những ngày giáp Tết, bà con ấp Đông Hòa A, xã Thới Tân, huyện Thới Lai, rôm rả kể chuyện làm ăn. Tại cơ sở chế biến cá mắm của bà Võ Thị Nga, hàng chục nhân công hăng hái tăng công suất làm việc để cung ứng hàng dịp Tết. Bà Nga chia sẻ: “Trung bình mỗi ngày, cơ sở của tôi sơ chế trên 300kg cá đồng. Ước tính năm nay, tôi đã bán 5-7 tấn mắm các loại và khoảng 1.000 lít nước mắm, lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Dịp Tết này, cơ sở có rất nhiều đơn hàng”. Bà Nga nói, kinh doanh cá mắm nhiều năm, chưa bao giờ bà nghĩ có lúc “cung” không kịp “cầu” như hiện nay.
Đó là kết quả của “cái khôn ló ra từ cái khó”. Thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cơ sở gặp khó về đầu ra sản phẩm. Để giúp bà Nga, cán bộ Hội LHPN xã Thới Tân quay và đăng tải các clip quảng bá sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội. Nhờ vậy, nhiều khách hàng biết và tìm đến, việc làm ăn ngày càng “nở nồi”. Đó cũng là một trong những hoạt động của các cấp Hội LHPN thành phố: quảng bá sản phẩm của hội viên; đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nữ, nhất là lao động nữ di cư trở về địa phương; tăng cường hướng dẫn kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, dạy nghề, xây dựng mô hình phát triển kinh tế... góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp trong phụ nữ.
Hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) trên địa bàn thành phố cũng tăng cường hoạt động kết nối cung - cầu lao động. Điểm nhấn trong năm 2022, Trung tâm DVVL TP Cần Thơ ký kết hợp tác 3 bên: nhà trường - trung tâm - doanh nghiệp (DN), tạo mối quan hệ chặt chẽ trong đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn giới thiệu việc làm, tuyển và sử dụng lao động. Trung tâm DVVL Thanh niên TP Cần Thơ triển khai hiệu quả các ngày hội việc làm; phối hợp các trường đại học, cao đẳng để tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho sinh viên; mở lớp nghề ngắn hạn với những nghề thị trường đang thiếu; hỗ trợ các dự án sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp ở các lĩnh vực… Các trung tâm DVVL còn tích cực phối hợp tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động ở các quận, huyện. Nổi bật là hoạt động phối hợp với LĐLĐ thành phố, LĐLĐ các quận, huyện tổ chức ngày hội tư vấn giới thiệu việc làm cho NLĐ tại các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, quận Thốt Nốt, Ô Môn, giúp hàng ngàn công nhân có cơ hội gặp gỡ nhà tuyển dụng, tìm kiếm việc làm nhanh và phù hợp.
Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Riêng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP, đã giải ngân 4 chương trình cho vay ưu đãi; trong đó, có trên 130 tỉ đồng hỗ trợ khoảng 2.600 hộ vay duy trì và mở rộng việc làm. Sự cộng hưởng từ nhiều chính sách tiền tệ, tài khóa đã giúp DN nhanh chóng phục hồi sản xuất.
Mở “cánh cửa” cho NLĐ
Theo bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố, thành công của DN, sự ổn định việc làm của NLĐ là yếu tố quan trọng mang đến sự thịnh vượng, phát triển cho thành phố. Vì vậy, thành phố chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; mở rộng quy mô hoạt động của các DN và các cơ sở sản xuất kinh doanh hiệu quả; thúc đẩy thành lập thêm nhiều DN mới… Trong năm 2022, đã có hơn 1.300 DN mới gia nhập thị trường, góp phần nâng tổng số DN đang hoạt động tại Cần Thơ lên khoảng 11.000 DN với tổng vốn đăng ký trên 87.000 tỉ đồng. Ngành LĐ-TB&XH đã triển khai Đề án cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025…
NLĐ tìm việc tại Trung tâm DVVL TP Cần Thơ. Ảnh: Đơn vị cung cấp
Hòa vào dòng chảy mạnh mẽ của chuyển đổi số, Trung tâm DVVL TP Cần Thơ đang sử dụng các phần mềm bảo hiểm thất nghiệp, phần mềm cung - cầu lao động... để phục vụ công tác chuyên môn. Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm, thông tin: “Cổng thông tin điện tử www.vieclamcantho.vn có hơn 42 triệu lượt truy cập; trang Facebook, Zalo, kênh Youtube, Google Map,… cung cấp thông tin đến khách hàng nhanh chóng và kịp thời. Trung tâm còn hướng dẫn khách hàng đăng ký nhận tiền trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản ngân hàng; tạo nhóm Zalo và hướng dẫn NLĐ quét mã QR tham gia nhóm để cập nhật thông tin về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, việc làm, học nghề và những thông tin hỗ trợ cần thiết khác”.
Trung tâm DVVL Thanh niên thành phố chủ động khảo sát, dự báo thị trường lao động; đẩy mạnh kết nối hỗ trợ DN và NLĐ bằng nhiều hình thức: tư vấn trực tiếp, tư vấn online; tuyên truyền, quảng bá giao dịch việc làm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; tổ chức các ngày hội việc làm…
Tính đến cuối năm 2022, thành phố đã giải quyết việc làm cho 55.972 người, đạt 111,05% kế hoạch, tăng 20,30% so với năm 2021; tuyển sinh đào tạo nghề 47.911 người, đạt 106,4% so với kế hoạch, tăng 19,42% so với năm 2021. Năm 2023, thành phố tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giải quyết việc làm, chăm lo NLĐ. Trong đó, tăng cường tư vấn, định hướng nghề nghiệp; phát huy hiệu quả công tác phối hợp 3 bên trong giải quyết việc làm; ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; khuyến khích các hình thức tạo việc làm tại chỗ, đẩy mạnh hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số… Những nỗ lực chung đang tạo nên lực đẩy mạnh mẽ cho thị trường lao động của thành phố, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ…
Hội LHPN quận Ninh Kiều hỗ trợ quảng bá sản phẩm khởi nghiệp của hội viên thông qua Phiên chợ hàng Việt. Ảnh: HỒNG VÂN
Theo Báo Cần Thơ