Cần Thơ: Nắm bắt cơ hội thúc đẩy xuất khẩu gạo

07/05/2024 - 10:11

Năm qua, xuất khẩu gạo của nước ta đạt được nhiều kết quả tích cực, tăng mạnh về lượng và giá trị. Bước sang những tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo tiếp tục có nhiều thuận lợi khi nhiều quốc gia có nhu cầu nhập khẩu cao, nguồn cung gạo trên thị trường thế giới có phần hạn chế, kỳ vọng sẽ tiếp tục một năm xuất khẩu gạo thắng lợi.

A A

Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An trưng bày, giới thiệu nhiều mặt hàng gạo tại một sự kiện triển lãm tổ chức ở Cần Thơ.

Nhiều tín hiệu tích cực

Năm 2023, nước ta đã xuất khẩu 8,13 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 4,67 tỉ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với năm trước. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn, tăng 18,26% so với mức bình quân năm 2022. Bước sang những tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của nước ta tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh. Tính đến hết quý I-2024, xuất khẩu gạo tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch và tăng 23,6% về giá so với quý I-2023, đạt trên 2,18 triệu tấn, với kim ngạch gần 1,43 tỉ USD (giá trung bình 653,9 USD/tấn). Với nhiều tín hiệu tích cực, dự báo năm nay lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ vượt kế hoạch ban đầu (vượt 7,6 triệu tấn gạo).

Theo Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, mặc dù thương mại gạo toàn cầu thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ ngành về các giải pháp khơi thông thị trường và lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo của nước ta trong năm 2023 và quý I-2024 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Xuất khẩu các chủng loại gạo có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và ưu thế của Việt Nam ngày càng tăng mạnh như gạo thơm, ST các loại, gạo trắng cao cấp, gạo Japonica. Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tận dụng tốt cơ hội thị trường từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP… để mở rộng thị trường và gia tăng xuất khẩu gạo. Cơ cấu thị trường dần chuyển dịch tích cực theo hướng đa dạng hóa, giá bán gạo được nâng cao.

Bên cạnh các thị trường truyền thống tại các nước ở châu Á và châu Phi, nước ta đã mở rộng xuất khẩu sang được nhiều thị trường "khó tính", nhất là ở châu Âu, với giá trị cao dù khối lượng chưa lớn. Ðiều này cho thấy chất lượng gạo nước ta ngày càng gia tăng và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính. Các thương nhân cũng tận dụng tốt cơ hội từ việc sản lượng lương thực giảm tại nhiều quốc gia và khu vực do biến đổi khí hậu, cũng như việc một số quốc gia hạn chế hoặc tạm ngừng xuất khẩu gạo (như Nga, UAE, Ấn Ðộ cấm xuất khẩu gạo trắng), đó là cơ hội để gạo Việt Nam có mặt ở nhiều thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Canada, Chile...

Kịp thời tháo gỡ các khó khăn

Nhằm kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn cho xuất khẩu, Bộ Công Thương vừa tổ chức hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I-2024 và định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Tại hội nghị này, nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, hiện hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo của nước ta vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn và thách thức, cần phải được ngành chức năng quan tâm tháo gỡ kịp thời. Ðáng chú ý, chi phí sản xuất lúa gạo tăng do giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng và ở mức cao, cũng như ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và các điều kiện sản xuất bất lợi. Ðiều này đã đẩy giá thành sản xuất, mua bán lúa gạo hàng hóa lên cao, gây áp lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhất là khi giá chào gạo xuất khẩu chưa tăng nhiều. Trong khi đó, gạo xuất khẩu của Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh với nhiều nước xuất khẩu gạo, đồng thời các nước nhập khẩu cũng ngày càng đòi hỏi cao về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm và liên tục có những thay đổi trong chính sách xuất nhập khẩu gạo. Bên cạnh đó, các thương nhân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng còn gặp khó về vốn, về xây dựng vùng nguyên liệu và mở rộng thị trường xuất khẩu... Theo ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, chiến lược đa dạng hóa thị trường của thương nhân vẫn còn hạn chế, thị trường xuất khẩu gạo vẫn có dấu hiệu chưa bền vững, phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống trọng điểm như Philippines, Trung Quốc và Indonesia...

Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, cho biết: "Ðể đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, thực tế doanh nghiệp cần đầu tư rất nhiều máy móc, thiết bị, công nghệ theo chuỗi dây chuyền khép kín, đồng thời bao tiêu lúa cho nông dân theo vụ mùa với số lượng lớn. Với số vốn theo hạn mức tín dụng như 2 năm trước đây thì doanh nghiệp ổn định, nhưng hiện nay chi phí tăng rất cao, doanh nghiệp lại phải không ngừng cải tiến máy móc thiết bị và vừa qua giá lúa gạo cũng tăng quá cao nên doanh nghiệp gặp khó khi vốn vơi dần. Ðể đảm bảo thu mua lúa cho nông dân và ổn định lượng gạo dự trữ trước ký hợp đồng xuất khẩu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ngân hàng nên mở rộng hạn mức cho doanh nghiệp, giảm lãi suất cho phù hợp để luân chuyển được hàng hóa theo vụ mùa, linh hoạt trong giải ngân, tránh tình trạng "bán đổ bán tháo" để được hợp đồng, có hợp đồng trước mới được giải ngân, rất khó khăn và nguy hiểm cho doanh nghiệp".

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo của Việt Nam trong cả năm 2024 dự báo có khả năng vượt kế hoạch đã đề ra là 7,6 triệu tấn. Tuy nhiên, Chính phủ cùng các bộ, ngành và đơn vị có liên quan cần quan tâm tháo gỡ kịp thời các khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhất là khó khăn về vốn do hạn mức tín dụng dành cho doanh nghiệp còn thấp, chưa được điều chỉnh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp và người sản xuất lúa gạo cũng cần được ngành chức năng hỗ trợ trong công tác xúc tiến thương mại, xây dựng chuỗi liên kết bền vững, cũng như quản lý chặt chẽ giá cả và chất lượng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất. Kịp thời rà soát, sửa đổi các quy định trong công tác điều hành, xuất khẩu gạo nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh và giúp nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo.

Theo KHÁNH TRUNG (Báo Cần Thơ)