Ngành xuất khẩu chủ lực
Chế biến cá thát lát tại Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa.
Ngành nông thủy sản tại Việt Nam đóng vai trò “lưới bảo vệ” cho toàn bộ nền kinh tế trong đại dịch COVID-19, thông qua việc phân phối lương thực cho người dân, ổn định giá tiêu dùng, mang lại việc làm thay thế và tạo doanh thu xuất khẩu. Năm 2021, xuất khẩu hàng hóa của ngành Nông nghiệp đã được mở rộng ra nhiều thị trường hơn, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt mức cao kỷ lục trên 48,6 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt giá trị kim ngạch 8,9 tỉ USD; các mặt hàng rau quả, hạt điều trên 3,6 tỉ USD; rau quả trên 3,5 tỉ USD.
Ông Trần Lê Bình, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết, Cần Thơ có 128 DN trong lĩnh vực nông thủy sản, hàng hóa xuất khẩu trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, hàng hóa nông, thủy sản đã xuất sang các châu lục trên thế giới, nhiều nhất là châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan), châu Mỹ (Mỹ, Brazil, Canada), châu Âu (Hà Lan, Anh, Bỉ), châu Úc (Úc), trị giá xuất, nhập khẩu và thu ngoại tệ bình quân 2 tỉ USD/năm (các mặt hàng nông, thủy sản có lợi thế của thành phố chiếm gần 70% giá trị xuất khẩu). Năm 2021 xuất nhập khẩu và thu ngoại tệ khoảng 1,8 tỉ USD.
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do đa tầng nấc. Đến nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do. Việc ký kết và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tác động lớn đến doanh nghiệp (DN) Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường xuất khẩu, nhập khẩu. Theo đó, doanh thu xuất khẩu sang các nước đối tác sẽ tăng, củng cố thị trường truyền thống, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, DN Việt Nam cũng đứng trước thách thức cạnh tranh mạnh mẽ do cách giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình cam kết, đồng thời các ngành sản xuất trong nước chịu tác động trực tiếp của những biến động trên thị trường hàng hóa quốc tế.
Trước ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 gây ra, để thích ứng linh hoạt với tình hình mới, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các DN nông, thủy sản cả nước nói chung, DN TP Cần Thơ nói riêng, chủ động đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ số, chuyển đổi số, nhờ đó đã hỗ trợ các DN vượt qua thách thức của đại dịch, của thị trường.
Thích ứng
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, năm 2021, 60% các DN nội địa ở Việt Nam đã thiết lập hoặc tăng sự hiện diện trực tuyến của mình để ngày càng kết nối tốt hơn, cung cấp dịch vụ và bán hàng cho khách hàng. Bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, VCCI, cho rằng, với DN Việt Nam, chuyển đổi số giúp thông tin nhanh hơn, ra quyết định kịp thời hơn, minh bạch hơn để ứng biến kịp thời với biến động và dễ dàng đáp ứng nhu cầu khách hàng hơn. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm được xu hướng phát triển của nền kinh tế số, các công cụ marketing số, nâng cấp năng lực đổi mới sáng tạo.
Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa đang hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản, chủ lực là cá thát lát. Đại diện DN cho biết, để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong suốt giai đoạn bị ảnh hưởng dịch bệnh, bên cạnh thực hiện sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ”, để ứng biến trong hoàn cảnh thiếu hụt nhân sự và hạn chế đi lại trong kinh doanh, DN đã đầu tư máy móc công nghệ hiện đại, giúp không chỉ tăng năng suất làm việc mà còn tăng giá trị sản phẩm. Năm 2021, ngay trong khó khăn dịch bệnh nhưng Phạm Nghĩa vẫn cho ra mắt thêm nhiều sản phẩm mới, đó cũng là “cứu cánh” cho DN trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, DN đẩy mạnh ứng dụng công cụ số trong kinh doanh, khai thác bán hàng đa kênh, đặc biệt khai thác kênh online (trực tuyến) nhờ đó đã duy trì tiếp cận các khách hàng cũ, mở rộng tiếp cận thêm nhiều khách hàng trong nước và xuất khẩu.
Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chính sách vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động. Chính phủ cũng đã số hóa nhiều thủ tục hành chính và dịch vụ công.
Theo Kế hoạch số 199/KH-UBND ngày 28-9-2021 về cơ cấu ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025. Ngành Nông nghiệp sẽ hỗ trợ các DN tiếp cận các chính sách về ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi với các sản phẩm chủ lực, gắn với chế biến và xuất khẩu. Trong đó, có 183 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 75 cơ sở nuôi trồng thủy sản với 339ha đạt VietGAP, ASC, BAP; 78 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm thủy sản an toàn và xác nhận cho 355 sản phẩm trong chuỗi…
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết, thực hiện Nghị quyết 02/NQ-TU về chuyển đổi số TP Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng 2030, Sở đã hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn TP Cần Thơ. Cùng đó, Sở đã phối hợp với Viettel post và Bưu điện thành phố tổ chức đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại thương mại điện tử (sàn Voso.vn và sàn postmart.vn) và thành lập sàn thương mại điện tử chonongsancantho.vn, ứng dụng bản đồ số trong nông nghiệp, xây dựng app dữ liệu nông nghiệp trên điện thoại để phục vụ sản xuất…
Theo ông Trần Lê Bình, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, để hỗ trợ DN tìm lại thị trường, cũng như mở rộng thị trường, thành phố phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các Bộ ngành giới thiệu cho DN tham gia hơn 20 hội nghị, hội thảo, hội nghị trực tuyến; Tọa đàm trực tuyến nhằm thúc đẩy, giới thiệu nông, thủy sản sản sang thị trường: Trung Quốc; Mỹ, EU, Ấn Độ, Bangladesh… Sở cũng đang phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ xây dựng Kế hoạch tham mưu UBND thành phố xúc tiến quảng bá các sản phẩm thương hiệu, có lợi thế của thành phố trong và ngoài nước về nông, thủy sản. Tiếp tục kiến nghị, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao để DN thành phố tiếp tục kết nối, tham gia các chương trình, hội thảo, diễn đàn hợp tác với các nước nhằm quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa DN Cần Thơ và thị trường các nước trên thế giới thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Theo Báo Cần Thơ