Thành phố phấn đấu tiêu chuẩn hóa 41 sản phẩm hiện có, phát triển và củng cố các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP, bao gồm các doanh nghiệp và các hợp tác xã. Triển khai phát triển 1 làng nghề tranh gạo; phát triển thêm 20-25 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao trở lên, trong đó có từ 1-2 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao. Phấn đấu năm 2022 mỗi quận, huyện có ít nhất 2 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Triển khai nội dung chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 và các văn bản có liên quan cho 100% cán bộ quản lý nhà nước các cấp và các tổ chức, cá nhân tham gia; đào tạo 100% cán bộ quản lý nhà nước thực hiện chương trình OCOP các cấp; 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP được đào tạo chuyên môn quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh.
Ðể thực hiện Kế hoạch trên, thành phố tiếp tục ban hành và áp dụng chính sách đồng bộ để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP trên địa bàn. Ðồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn về đánh giá chất lượng sản phẩm. Thành phố xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao nhận thức của hệ thống quản lý chương trình OCOP các cấp và sự hiểu biết của cộng đồng. Các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại tại các cấp tương ứng nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Thành phố củng cố, phát triển các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP. Tổng kinh phí thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn thành phố năm 2022 là 3,6 tỉ đồng; trong đó, vốn ngân sách 2,52 tỉ đồng, còn lại huy động xã hội hóa…
Theo Báo Cần Thơ