Cần Thơ: Xây dựng nhãn hiệu để nâng cao giá trị nông sản

05/12/2023 - 10:48

Nhiều nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng nhãn hiệu để nâng cao giá trị nông sản phẩm và được bảo hộ. Đến nay, nhiều sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP của các tổ chức và cá nhân tại nhiều địa phương đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Qua đó tạo thuận lợi hơn cho việc tiêu thụ và góp phần tích cực vào việc nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nhãn hiệu mang lại nhiều lợi ích

Nhãn hiệu giúp mang lại rất nhiều lợi ích bởi nó không chỉ giữ chức năng phân biệt giữa sản phẩm này với những sản phẩm khác cùng loại mà còn là "công cụ" hữu hiệu giúp chủ sở hữu tiếp thị, quảng cáo và xúc tiến thương mại cho sản phẩm của mình. Nhãn hiệu cũng góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng của sản phẩm, dịch vụ. Để giữ vững được hình ảnh, uy tín của nhãn hiệu, chủ sở hữu phải đầu tư vào chất lượng, duy trì và cải tiến sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Thời gian qua, nhiều loại gạo có bao bì và nhãn hiệu đã bán được giá cao hơn so với gạo không có nhãn hiệu. Trong ảnh: Gạo được bán tại Trung tâm thương mại Cái Khế, TP Cần Thơ.

Theo bà Đoàn Thiều Trang, công tác tại Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo và Hỗ trợ - Tư vấn thuộc Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, việc xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm giúp các đơn vị, doanh nghiệp bảo đảm rằng khách hàng có thể phân biệt sản phẩm của mình với các tổ chức, cá nhân khác và giúp tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình. Đặc biệt, tạo ra một công cụ tiếp thị và là cơ sở để tạo dựng uy tín và hình ảnh của một thương hiệu. Góp phần thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào việc duy trì chất lượng sản phẩm, qua đó bảo đảm quyền lợi và nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy, nhiều loại nông sản của các tổ chức và cá nhân khi được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu đã có đầu ra thuận lợi hơn và khẳng định được giá trị trên thị trường. Bên cạnh xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, tại nhiều địa phương cũng xây dựng được các nhãn hiệu tập thể cho nông sản. Sự ra đời của các nhãn hiệu tập thể đã góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho các vùng sản xuất nông sản tập trung, thúc đẩy liên kết giữa các hộ dân và tạo điều kiện để các địa phương đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng có lợi thế, cũng như khai thác phát triển du lịch.

Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu, thời gian qua các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương đã quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp trong thực hiện các hồ sơ, thủ tục và quy trình sản xuất để được cấp chứng nhận nhãn hiệu và được bảo hộ quyền sở hữu và khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, do còn gặp các rào cản và khó khăn nên số lượng và chủng loại các loại nông sản đã được xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu chưa nhiều, nhất là tại vùng ĐBSCL. Theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến cuối năm 2022, cả nước có 1.899 nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận đối với các sản phẩm nông sản, trong đó có 1.430 nhãn hiệu tập thể và 469 nhãn hiệu chứng nhận. Riêng vùng ĐBSCL có 471 nhãn hiệu, bao gồm 399 nhãn hiệu tập thể và 72 nhãn hiệu chứng nhận. Trong đó, số nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ trong lĩnh vực trái cây chiếm 25%, thủy sản 18%, lúa gạo 16% và nông sản khác chiếm 39% trên tổng nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại ĐBSCL.

Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động của các bên liên quan trong xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu nông sản, tại TP Cần Thơ, Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường thuộc Bộ NN&PTNT vừa tổ chức tập huấn "Nâng cao nhận thức, năng lực bảo hộ nhãn hiệu trong và ngoài nước cho doanh nghiệp nông nghiệp". Tham dự tập huấn có nhiều doanh nghiệp cùng đại diện các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương vùng ĐBSCL. Bên cạnh được cập nhật, cung cấp các thông tin, kiến thức và các quy định về việc xây dựng, quản lý, khai thác nhãn hiệu sản phẩm nông sản của nước ta và các nước trên thế giới, các đại biểu tham gia tập huấn cũng đã thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm, cách làm hay trong xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu cho nông sản.

Theo ông Trần Quang Vũ, đại diện doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (tỉnh Sóc Trăng), để tăng cường nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về tầm quan trọng của bảo hộ nhãn hiệu, Bộ NN&PTNT và các ngành chức năng cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và tập huấn. Kịp thời hỗ trợ các tổ chức và cá nhân sớm triển khai bảo hộ nhãn hiệu cho nông sản và hàng hóa của mình, tránh để mất nhãn hiệu và ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng, thương hiệu sản phẩm do mình gây dựng nên.

Theo ông Tạ Quang Kiên, Phó trưởng Phòng Pháp chế Thanh tra thuộc Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, tới đây các cơ quan chức năng và cấp thẩm quyền nhà nước cần xem xét, có thêm cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nhãn hiệu nông sản. Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản làm cơ sở cho công tác quản lý nhãn hiệu. Tích cực hướng dẫn, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký nhãn hiệu sản phẩm trong ước và hỗ trợ đăng ký quốc tế. Về phía doanh nghiệp, cần nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng, vận hành hệ thống quản trị nhãn hiệu của doanh nghiệp, xây dựng hệ thống phương tiện quảng bá, khai thác giá trị nhãn hiệu. Nghiên cứu kết hợp phát triển sản phẩm nông sản mang nhãn hiệu với phát triển du lịch...

Nhiều đại biểu kiến nghị, tới đây các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và hành động của doanh nghiệp, nông dân và các bên có liên quan. Thúc đẩy doanh nghiệp liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị các ngành hàng gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP. Quan tâm bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để đẩy mạnh hoạt động khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp, nông dân và các tổ chức nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác...) trong xây dựng, quản lý khai thác và phát huy giá trị nhãn hiệu sản phẩm...

Theo KHÁNH TRUNG (Báo Cần Thơ)