Mô hình trồng mai vàng của gia đình chị Đặng Thị Lệ Chúng ở xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh.
Theo ông Lê Thanh Tứ Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc, cũng như các nơi khác, ở địa phương, nhà nào xung quanh cũng có một vài cây mai vàng cho hoa vào dịp Tết. Tuy nhiên, bắt đầu hình thành nghề trồng mai vàng theo hình thức thương mại phải kể đến là ông Nguyễn Văn Sang, Lê Văn Pháp, Nguyễn Phi Công, Nguyễn Văn Giỏi... Ngoài trồng quanh vườn nhà, các hộ này còn mua mai của các hộ dân trong và ngoài xã về uốn sửa "nuôi" thành phẩm bán lại cho người thích chơi kiểng. Mỗi gốc mai trị giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, thậm chí có cây trị giá hàng trăm triệu đồng. Ðiển hình như năm 2018 anh Công bán 2 cây mai "khủng" với giá 1,15 tỉ đồng và cất được căn nhà khang trang. Ông Lê Thanh Tứ Hải, nói: "Trước đây bà con chỉ trồng làm kiểng trước cửa hoặc xung quanh nhà nhưng từ khi có một vài hộ trồng và bán được giá cao, dần dần bà con học hỏi và làm theo với mong muốn có thu nguồn thu nhập ổn định".
Từ đây phong trào trồng mai vàng bắt đầu nở rộ ở xã Thạnh Lộc, ông Lê Văn Pháp một trong những hộ trồng mai vàng có hiệu quả, cho biết: "Tôi chọn giống mai giảo cho bông to nên dễ bán. Trồng từ 3-5 năm là bán được, mỗi cây từ 1,2-5 triệu đồng tùy hình dáng, mỗi năm thu nhập từ 400-500 triệu đồng". Cùng với bán mai thành phẩm, các hộ còn nhân giống bán mai con thu nhập cũng ổn định. Chị Ðặng Thị Lệ Chúng, ở ấp Tân Thạnh, mỗi năm ươm khoảng 1.500 cây mai con bán được gần 50 triệu đồng, cộng thêm cung ứng ra thị trường từ 100-200 cây mai thành phẩm, thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Chị Ðặng Thị Lệ Chúng, nói: "Mai con phải chịu khó sửa rễ, tùy theo bộ rễ ban đầu mà mình sửa thành rễ nom hay rễ quái, hình thú về sau cây sẽ cho bộ rễ đẹp thì giá trị cây mai sẽ tăng thêm và mình bán cũng dễ dàng hơn. Cây có chiều cao khoảng 10cm bán giá 10.000 đồng, cây lớn hơn giá dao động từ 30.000-50.000 đồng/cây. Hiện tại gia đình tôi nhân giống không đủ bán".
Ông Võ Thế Nguyên, ở ấp Tân Thạnh mỗi năm cũng thu nhập được từ bán mai giống và mai thành phẩm khoảng 350 triệu đồng, ông Nguyên cho biết: "Trồng mai thu nhập cao hơn nhiều so với trồng rẫy, mai dễ trồng lại nhẹ phân, chỉ cần bón phân định kỳ, phòng ngừa sâu, bọ trĩ là cây lớn rất nhanh, mau thành phẩm. Ðầu ra cũng dễ, các nhà vườn, thương lái, người chơi kiểng và có cả các doanh nghiệp tìm đến mua".
Qua thống kê bước đầu, xã Thạnh Lộc có 60 hộ trồng cây mai vàng theo hình thức thương mại, mỗi hộ trồng từ 100 cây đến vài trăm cây, đó là chưa kể những hộ tận dụng sân trống, quanh vườn nhà trồng từ vài cây đến vài chục cây, tập trung nhiều nhất ở ấp Tân Thạnh, Tân Lợi và ấp Thạnh Quới 2. Hầu hết các hộ trồng mai đều mong muốn xây dựng làng mai Thạnh Lộc, từng bước xây dựng thương hiệu, đặc trưng riêng cho cây mai địa phương mình. Theo ông Lê Thanh Tứ Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc, mai vàng là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, việc hình thành và xây dựng làng mai là nguyện vọng chính đáng của bà con, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của xã, góp phần xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Trước mắt, xã đã chỉ đạo cho cán bộ khuyến nông phối hợp với các ban ngành đoàn thể xã và các ấp tiến hành khảo sát nhu cầu của các hộ để thành lập CLB, tập hợp các hộ trồng mai để có biện pháp đầu tư, hỗ trợ đồng bộ.
Ông Lê Thanh Tứ Hải, nói: "Việc thành lập CLB giúp các hộ trồng mai liên kết trong sản xuất, có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm thực tế trong khâu chọn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiêu thụ… Từ đó có nguồn thu nhập ổn định và bền vững. Ðây được xem là bước đệm, từng bước tạo dựng thương hiệu tiến tới xây dựng làng mai
Thạnh Lộc".
Theo MINH HẢI (Báo Cần Thơ)