Anh Nguyễn Minh Hậu bên vườn na sầu riêng nhân giống.
Anh Hậu chia sẻ: “Tôi có quen người bạn làm cây giống bên Đài Loan, thường xuyên trao đổi với nhau. Thấy cây lạ, có khả năng phát triển tại địa phương, tôi mua 100 cây về trồng thử nghiệm, chi phí vận chuyển đến tận nhà gần 300 triệu đồng (tầm 1,2 triệu đồng/cây giống). Tên gọi của cây được dịch ra từ tiếng Đài Loan, gai nhọn, trọng lượng gần giống sầu riêng.
Ở Chợ Lách, anh Hậu trồng hơn 6 công (gần 2 năm), chủ yếu nhân giống cung cấp cho thị trường trong nước, người dân. Ngoài ra, anh còn mở rộng diện tích trồng ở Tây Ninh 8 công để nhân giống, Long An 20 công, để trái thu hoạch, cây gần 9 tháng tuổi. Hàng tháng, anh bán trung bình từ 2 - 3 ngàn cây giống, giá tùy theo kích cỡ, cách thức nhân giống: ghép bo từ 100 - 200 ngàn đồng/cây, chui cành từ 250 - 300 ngàn đồng/cây.
Theo anh Hậu, để trồng na sầu riêng hiệu quả, trước tiên, cuốc mô cao ráo, thoáng mát, phù hợp mục đích thu hoạch (để trái hay làm cây giống). Sau đó, đào lỗ, bón lót bằng phân hữu cơ, xơ dừa hay xử lý rễ rồi mới đặt cây xuống. Trong 3 tháng đầu, chú ý chăm sóc kỹ lưỡng, bón phân, xịt ngừa định kỳ (NPK, 1 - 2 muỗng cà phê/gốc) giúp cây bén rễ tốt. Khoảng cách trồng thu hoạch trái trung bình 3m/cây, 1m/cây dành cho làm cây giống. Anh Hậu đầu tư hệ thống tưới nước tự động, tiết kiệm được thời gian, chủ động cung cấp nước cho cây kịp thời và hiệu quả.
Sau 2 năm, na sầu riêng cho trái chiếng. Đối với cây để trái, nhà vườn cần bón phân NPK định kỳ giúp cây già đọt. Khi đọt tóp lại, cắt cành giúp ra tược nhanh và bông cũng ra theo. Mùa mưa, sử dụng bạt đậy gốc, nhằm hạn chế nước tồn đọng ảnh hưởng rễ cây. Khi trồng, nhà vườn cần đào mương, xẻ rãnh giúp thoát nước nhanh, hiệu quả.
Bông na sầu riêng thuộc dạng lưỡng tính, nên không cần phải thụ phấn như những cây trồng khác. Tược nằm trong cuốn lá, cần phải tách lá thì mầm mới nảy nở được. Cây chịu được độ mặn dưới 1‰, kháng bệnh tốt. Lá cây mọc theo kiểu tứ diện, phát triển ra nhiều hướng khác nhau; 1 cuốn sẽ ra 2 lá đối xứng và nách lá sẽ mọc gần nhau.
“Bên Đài Loan, na sầu riêng có giá từ 500 - 800 ngàn đồng/kg, trọng lượng từ 1,5kg/trái trở lên. Vừa rồi, tôi nhập về 3 trái (5,8kg, chi phí gần 6 triệu đồng) để nghiên cứu, cho khách hàng thưởng thức, tìm hiểu cây trồng. Ở đây, trái na sầu riêng chín chưa xuất hiện trên thị thường, đa phần đang trong giai đoạn trồng trọt, nhân giống”, anh Hậu nói.
8 tháng trước, anh Hậu xuất bán cây giống na sầu riêng lứa đầu tiên. Hai hình thức nhân giống: ghép bo và chui cành được anh thực hiện cho giống cây này. Ghép bo là hình thức phổ biến. Sử dụng bo của cây chủ na sầu riêng ghép vào gốc cây phục sinh, từ 1 - 1,5 tháng có thể xuất bán. Đối với chui cành, thực hiện trực tiếp trên cây chủ, thời gian 2 - 2,5 tháng là bán được. Tùy vào sự phát triển của cây, nhà vườn có thể chui cành nhiều hay ít. Sử dụng khung sắt tạo hình giàn treo, dùng dây nylon treo bầu cây. Cắt xong, cần phải sang qua bầu nylon lớn hơn để dưỡng cây khoảng 1 tháng mới đưa ra thị trường. Sau thu hoạch, bổ sung thêm phân hữu cơ, bón NPK để dưỡng cây, hỗ trợ phục hồi, tầm 1 - 1,5 tháng có thể chui cành trở lại.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Thới Ngô Tấn Thành cho biết: Na sầu riêng là loại cây giống mới, lạ, được nhà vườn trồng thử nghiệm ở địa phương. Bước đầu, cây có khả năng thích nghi thổ nhưỡng, thu hút sự quan tâm của nông dân trong và ngoài tỉnh, ngành chuyên môn, nghiên cứu nông nghiệp. Kỳ vọng, cây sẽ mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho người trồng, tạo nguồn thu nhập cao, ổn định giá cả trên thị trường.
Theo LÊ ĐỆ (Báo Đồng Khởi)