Sở dĩ món chè này được nhiều người biết đến, bởi vì nó được làm rất công phu, mỗi gia đình có cách thức chế biến riêng để tạo hương vị khác biệt. Thông thường, muốn có chè bán cữ sáng, người ta phải thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị, dù vậy mỗi đợt thành phẩm không quá vài chục ly.
Nguyên liệu chính của món chè này gồm: Đường cát trắng mịn, đậu xanh, đậu thạch, bột năng, đậu phộng, nước cốt dừa và đặc biệt phải có lá dứa thì mới thơm ngon. Cách chế biến món chè này cũng cầu kỳ không kém: Đậu xanh sau khi đã tách vỏ đem ngâm mềm, nấu chín và tán nhuyễn.
Sau đó trộn đậu với nước đường và nước lá dứa, đun sôi hỗn hợp trên lửa nhỏ rồi tắt bếp, để nguội. Đậu thạch phải nấu thật mềm, nhưng chú ý sử dụng lửa nhỏ để hạt đậu mềm mà vẫn còn nguyên vẹn; sau đó cho đường cát trắng vào trộn đều, nấu vừa sôi. Đậu phộng rang vàng, thơm, tách vỏ.
Bột năng nhồi với nước đun sôi sao cho bột dẽo, mịn. Lấy đậu phộng làm nhân, nắn bột năng làm vỏ, sau đó đem luộc chín kỹ. Vớt bột ra rửa lại với nước lạnh, để ráo nước, sau đó cho vào nồi nước đường, đun sôi. Dừa khô nạo, vắt lấy nước cốt. Điều đặc biệt là, phải sử dụng nước đun sôi để nguội vắt nước cốt dừa, không dùng nước ấm, vì dùng nước ấm nước cốt sẽ bị gắt dầu, không ngon.
Nhiều người cho rằng, muốn có món chè ngon thì điều đầu tiên là phải có nguyên liệu tốt, thứ hai là kỹ thuật nấu phải khéo. Khi nấu xong phải đạt yêu cầu: Đậu xanh mịn, dẻo và không quá khô; đậu thạch mềm, bùi, thấm đường; bột năng dẻo nhưng không bị cứng hoặc quá dai; nước cốt dừa phải thật béo; ly chè phải dậy lên mùi thơm của lá dứa và không quá ngọt.
Chè Sơn Quy thường ăn lạnh với nước đá bào nhuyễn. Khi dùng, người ta cho từng loại theo tỷ lệ nhất định, xong rưới lên một ít nước cốt dừa. Khi ăn cần nhai chậm rãi, thỉnh thoảng bắt gặp những “hạt lựu” và đậu tạo cảm giác lạ miệng.
Chè Sơn Quy có nhiều thành phần ngon, thơm, bổ dưỡng, thường được người dân vùng Gò Công dùng làm điểm tâm và chiêu đãi bạn bè. Thậm chí, những ai đi lỡ đường, lỡ bữa, xa chợ, ăn chè Sơn Quy cũng chắc bụng.
Theo LÊ HỒNG QUÂN (Báo Ấp Bắc)