Chính quyền địa phương 2 cấp phù hợp với xu thế

22/05/2025 - 14:45

Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12-4-2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1-7-2025, cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 theo hướng quy định mô hình địa phương 2 cấp, đồng thời không quy định quá chi tiết về hệ thống các đơn vị hành chính với tên của từng loại đơn vị ở từng cấp như hiện nay.

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp đã bộc lộ sự kém hiệu quả, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, gây lãng phí nguồn lực của đất nước. Trong ảnh: Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại UBND quận Cái Răng.

Quốc hội đã quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Phạm vi sửa đổi tập trung vào các quy định của Hiến pháp năm 2013 về MTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.  

Ðiều 110 của Hiến pháp năm 2013 quy định đơn vị hành chính của nước ta gồm trên 10 loại đơn vị hành chính với tên gọi khác nhau thuộc 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã). Mô hình tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp đã phát huy vai trò, đóng góp tích cực trong các giai đoạn xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình mới, trước yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong quản trị quốc gia và địa phương, việc tổ chức đơn vị hành chính theo 3 cấp đã bộc lộ sự kém hiệu quả, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, gây lãng phí nguồn lực của đất nước, chưa phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế của từng đơn vị hành chính. Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đề nghị sửa đổi, bổ sung Ðiều 110 như sau: các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ðơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập. Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định. Quy định này sẽ tạo điều kiện để tiếp tục cụ thể hóa mô hình đơn vị hành chính và chính quyền địa phương 2 cấp tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). 

Ông Hoàng Minh Thông, ngụ phường Tân An, quận Ninh Kiều, nói: “Tôi rất ủng hộ tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, vì việc duy trì cấp chính quyền trung gian làm cho các mệnh lệnh quản lý từ chính quyền cấp tỉnh xuống tới cấp xã bị triển khai chậm, không phù hợp với xu thế chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành”. Bà Nguyễn Hồng Hạnh, ngụ phường Thới An Ðông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, chia sẻ: “Hiện nay, hồ sơ giấy tờ từng bước đã được số hóa, người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính thông qua hình thức trực tuyến nên việc bỏ 1 cấp chính quyền địa phương trong thời gian tới sẽ không gây ảnh hưởng đến việc thực hiện thủ tục của người dân”.

Bên cạnh đó, để thể chế hóa kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã có HÐND và UBND, Dự thảo Nghị quyết đề nghị sửa đổi, bổ sung các điều 111, 112, 114 của Hiến pháp năm 2013 theo hướng quy định tổ chức chính quyền địa phương gồm HÐND và UBND. Dự thảo không sử dụng thuật ngữ “cấp chính quyền địa phương” để thể hiện tính thống nhất về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, tránh gây nhầm lẫn, tạo ra các cách hiểu khác nhau về tổ chức chính quyền ở địa phương. 

Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12-4-2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII đã thống nhất khẳng định: “Ðồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1-7-2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành”. Theo Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trên cơ sở đó, các luật, nghị quyết của Quốc hội sẽ xác định một khoảng thời gian chuyển tiếp phù hợp để các cơ quan ở cấp huyện hoàn thành việc bàn giao, kết thúc hoạt động; các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã sau khi sắp xếp (bao gồm cả chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân) kịp rà soát, tiếp nhận cán bộ, công chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện, kiện toàn về tổ chức bộ máy, điều kiện làm việc để chính thức đi vào hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định mới của các luật, nghị quyết; bảo đảm các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập hoạt động thông suốt, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định mới của các luật, nghị quyết theo đúng tiến độ yêu cầu, không để gián đoạn công việc, không bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức, xã hội và người dân.

Theo Báo Cần Thơ