Chuyện về thương binh Phan Văn Đậm

10/05/2023 - 15:02

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng khi nhắc về quãng thời gian chiến đấu kiên cường cùng đồng đội, ông Phan Văn Đậm (SN 1945, thương binh hạng 1/4, ngụ xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) vẫn vẹn nguyên cảm xúc.

A A

Những ký ức không quên

Cùng đoàn viên, thanh niên xã Thạnh Hòa đến thăm thương binh Phan Văn Đậm (ông Bảy), chúng tôi được nghe về quá trình tham gia kháng chiến của ông. Ông Bảy kể: “Gia đình có truyền thống nuôi giấu cán bộ cách mạng. Ngày còn nhỏ, tôi thường đem cơm, nước uống cho mấy chú bộ đội hay canh giặc đến đầu xóm thì chạy về báo tin. Khi chứng kiến người thân trong gia đình là cán bộ cách mạng hy sinh, tôi càng quyết tâm đi theo các anh, các chú".

Ông Bảy kể cho thế hệ hôm nay nghe về truyền thống cách mạng của quê hương

Năm 1963, ông Bảy thoát ly gia đình, tham gia cách mạng và được phân công vào khu hậu cần phục vụ sản xuất. Vài năm sau, ông được chuyển sang tham gia tải đạn từ Campuchia về Việt Nam. Thời điểm đó, chiến sĩ tải đạn phải đi bộ hoặc đi xuồng hàng trăm kilômét bất kể ngày đêm, băng qua những cánh rừng, đồng lúa tiếp tế đạn cho chiến trường. Máy bay địch quần thảo, khi phát hiện chiến sĩ cách mạng là thả bom hoặc cho lính đến càn quét. Nhiều người đã ngã xuống trên những cánh rừng bạt ngàn vùng biên giới. Dù ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc nhưng chẳng làm vơi đi ý chí của ông Bảy cùng đồng đội. Ngược lại, sự tàn bạo của kẻ thù càng nung nấu thêm ý chí “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” của chàng trai trẻ.

Ông Bảy cho biết, năm 1966, trong một lần tải đạn, ông bị giặc phục kích bắn bị thương phải nghỉ dưỡng gần 2 năm. Sau khi vết thương lành, ông tiếp tục cùng đồng đội tham gia tải đạn. Đang làm nhiệm vụ, ông Bảy và đồng đội nghe thông tin tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, từ Trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, cả đội hò reo, mang cờ đỏ sao vàng chạy khắp nơi, cảm xúc đó đến giờ vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông.

Di chúc Bác Hồ luôn trong tim

Điều đáng ghi nhận ở ông Bảy không chỉ là tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mà ông còn là tấm gương sáng về tinh thần học tập và làm theo gương Bác. Ông thuộc rất rõ và đọc rành mạch Di chúc của Bác. Ông Bảy nói: “Năm 1967, ông vinh dự được đứng chân vào hàng ngũ của Đảng. Trong những lần chào cờ hay sinh hoạt chi bộ, ông thường nghe nhắc về Di chúc của Bác hay các câu chuyện kể về Bác. Càng nghiên cứu Di chúc của Bác, ông càng khâm phục vị cha già kính yêu của dân tộc. Trong Di chúc của Bác, ông tâm đắc nhất là ý nghĩa của hai từ "đoàn kết”".

Nói rồi, ông Bảy đọc một mạch nguyên văn Di chúc của Bác về sự đoàn kết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Tiếp lời ông Bảy, Bí thư Đoàn xã Thạnh Hòa - Dương Thúy Phượng chia sẻ: “Dù tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng hàng tuần, ông Bảy vẫn chạy xe ra UBND xã để cùng chào cờ, hát Quốc ca. Đặc biệt, ông Bảy có bộ sưu tập về chữ ký Bác Hồ từ năm 1945-1969 với 79 chữ ký. Vào các dịp lễ, tết, đoàn viên, thanh niên thường xuyên đến thăm, nghe ông Bảy kể chuyện về truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương, nhất là thông qua các câu chuyện kể về Bác Hồ càng thấm nhuần về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, giúp tuổi trẻ hôm nay càng thêm trân quý hòa bình; đồng thời, ra sức học tập, lao động để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp”.

Trời đã sang trưa, chúng tôi tạm chia tay ông Bảy. Khi ra về, điều đọng lại trong lòng chúng tôi là người thương binh suốt đời phấn đấu, học tập và làm theo gương Bác. Chính những câu chuyện kể của ông Bảy giúp tuổi trẻ hôm nay hiểu hơn về sự cống hiến của thế hệ đi trước vì hòa bình, độc lập dân tộc./.

Theo KIM NGỌC (Báo Long An)