CNH, HĐH - Động lực phát triển ĐBSCL xanh, bền vững

23/12/2024 - 14:58

UBND TP Cần Thơ và Trường Đại học Cần Thơ vừa phối hợp tổ chức Diễn đàn quốc tế Phát triển bền vững ĐBSCL lần II năm 2024 với chủ đề "CNH, HĐH - Động lực cho phát triển bền vững ĐBSCL". Tại diễn đàn, các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học đã có dịp nhìn lại bức tranh CNH, HĐH vùng ĐBSCL những năm qua. Đồng thời, đưa ra thông điệp phát triển bền vững không phải là nhiệm vụ của riêng ai, mà là trách nhiệm chung; các bên cùng hành động để bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và xây dựng một xã hội công bằng, văn minh.

Nhận diện điểm nghẽn

Dưới tác động của tiến trình CNH, HĐH, sản xuất công nghiệp của vùng ĐBSCL liên tục được mở rộng, phát triển. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của vùng liên tục tăng ở mức cao hơn so với mức tăng trung bình chung của cả nước lần lượt trong các năm 2022, 2023 và 9 tháng năm 2024 là 11,8%, 6,6% và 11,7% (so với của cả nước lần lượt là 7,8%, 3,02% và 8,6%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm tỷ trọng cao và liên tục gia tăng trong những năm qua. Một số sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp cho dịch chuyển chung của cả ngành như dệt may, da giày, thủy sản, trái cây, gạo, điện tử… với sự dẫn dắt của một số địa phương như Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long… Đặc biệt, ngành năng lượng phát triển mạnh mẽ trong những năm trở lại đây và đang dần trở thành trung tâm năng lượng quốc gia với các dự án năng lượng có thể kể đến như Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1, Ô Môn 2, Ô Môn 3, Ô Môn 4; Nhiệt điện khí Cà Mau 1 và 2, Trung tâm Điện lực Duyên Hải ...

Nhiều chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước tham quan quy trình truyền tải điện tại Nhà máy Điện gió Đông Hải 1, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Mặc dù có nhiều thành tựu, song tiến trình CNH, HĐH vùng ĐBSCL vẫn tồn tại nhiều bất cập. Theo PGS.TS Trần Trung Tính, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, tiến trình CHN, HĐH ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực. Nguyên nhân chính là do nội lực của nền công nghiệp còn yếu, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn, chưa thu hút được nhiều dự án lớn; mô hình phát triển CNH, HĐH chưa được định hình rõ nét, quy mô kinh tế còn nhỏ, năng suất lao động và GRDP bình quân đầu người thấp. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; đầu tư hạ tầng phát triển các khu, cụm công nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn và chậm so với yêu cầu phát triển công nghiệp, diện tích lấp đầy chưa cao, thiếu tập trung về không gian, ngành nghề, sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó cục trưởng Cục Công Thương, Bộ Công Thương, nhấn mạnh: Mặc dù là thế mạnh của vùng nhưng công nghiệp chế biến chưa thực sự phát triển nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên để kinh tế nông - thủy sản thật sự trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Quá trình đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước còn chậm, trình độ công nghệ chủ yếu là trung bình và thấp, dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm hàng Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước chưa cao. Liên kết vùng trong phát triển công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL nói chung vẫn còn hạn chế, dẫn đến chưa phát huy được vai trò của từng địa phương; chưa xác định rõ trách nhiệm của các địa phương để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo nên chuỗi liên kết về sản xuất công nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh tốt hơn.

Đón thời cơ mới

Trước những bất cập nói trên, tiến trình CNH, HĐH của ĐBSCL đón cơ hội mới từ các chủ trương, chính sách trọng tâm, kịp thời và đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Cụ thể, Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 78/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW…

PGS.TS Trần Trung Tính khẳng định: Trường Đại học Cần Thơ tiếp tục cam kết đóng góp nguồn lực nội tại cũng như phát huy những lợi thế và tiềm năng hiện có để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển ĐBSCL theo định hướng chỉ đạo của Chính phủ, bộ ngành, theo kỳ vọng của các địa phương. Đối với vấn đề CNH, HĐH, Đại học Cần Thơ cam kết tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, vừa đa ngành, đa lĩnh vực vừa chú trọng những ngành trực tiếp thúc đẩy quá trình CNH, HĐH vùng và cả nước. Cơ sở vật chất hiện đại và mô hình quản trị đại học được kiện toàn của Đại học Cần Thơ sẽ được sử dụng một cách hiệu quả nhất thông qua cơ chế hợp tác và chia sẻ nguồn lực nhằm tạo ra giá trị và lợi ích cho địa phương và cộng đồng. Theo đó, Đại học Cần Thơ cam kết sẽ luôn là một mắt xích không thể tách rời trong chuỗi các hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội của từng địa phương và của vùng ĐBSCL.

Từng bước thúc đẩy tiến trình CHH, HĐH, hướng đến phát triển bền vững, ông Nguyễn Văn Thịnh đề xuất các địa phương trong vùng tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản và thực phẩm theo hướng gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Tăng cường liên kết vùng để hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng ổn định, từ đó hình thành trung tâm sản xuất lớn, đi liền với chế biến sâu cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nông nghiệp như sản phẩm hóa chất, cơ khí phục vụ nông nghiệp, thủy sản. Đáp ứng xu thế sản xuất xanh, sạch, các địa phương khuyến khích, thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhất là điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ rừng và bờ biển; rà soát, đánh giá lại các khu/cụm công nghiệp đã thành lập nhưng chưa được đầu tư xây dựng để có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đảm bảo sử dụng đất hiệu quả, hạn chế các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: "Diễn đàn quốc tế SDMD 2024 với mục tiêu: kết nối các bên liên quan trong nước và quốc tế, tổ chức các tọa đàm và diễn đàn thường kỳ nhằm cung cấp, chia sẻ thông tin và đề xuất giải pháp phát triển các lĩnh vực trọng yếu của vùng ĐBSCL; tăng cường hợp tác xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án nghiên cứu và phát triển, góp phần phát triển khoa học công nghệ, kinh tế - xã hội và môi trường của vùng; xây dựng trung tâm thông tin và khai thác dữ liệu phát triển ĐBSCL nhằm phân tích, tổng hợp dữ liệu và thông tin; tương tác, chia sẻ thông tin và cung cấp tư vấn góp phần phát triển bền vững ĐBSCL. Với vai trò "hạt nhân" của vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ đang tận dụng nhiều động lực để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2024-2025 và tầm nhìn 2030. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư hiện hữu cũng như tạo niềm tin nhà đầu tư vào chính sách đầu tư của thành phố. Lãnh đạo UBND thành phố cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư, hợp tác phát triển sản xuất trên địa bàn".

Theo MỸ THANH (Báo Cần Thơ)