Cơ hội cho ngành hàng cá tra xuất khẩu

21/02/2020 - 09:13

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD), từ ngày 2 đến 13-3-2020, Đoàn Thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS - Hoa Kỳ) sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá hệ thống kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với cá tra ở ĐBSCL. Đây là lần thứ 2 FSIS thực hiện hoạt động trên và cũng là cơ hội để phát huy lợi thế tiềm năng ngành hàng cá tra ở ĐBSCL.

An toàn vùng nuôi

NAFIQAD cho biết, lần kiểm tra đợt này, FSIS sẽ đánh giá hệ thống kiểm soát ATVSTP đối với cá thuộc bộ Siluriformes (cá da trơn), trong đó chủ yếu là cá tra ở ĐBSCL; hệ thống tổ chức cơ quan thủy sản; quy định và hiệu lực thi hành kiểm soát ATVSTP; điều kiện đảm bảo ATVSTP cơ sở sản xuất; kiểm soát dư lượng… Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết: “Thời gian qua, Hoa Kỳ đã công nhận quy trình sản xuất cá tra của Việt Nam tương đương với quy trình sản xuất của Hoa Kỳ. Trong đó, từ quá trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển đến sơ chế, chế biến đều thực hiện tốt, ở mức cao và đạt chuẩn quốc tế. Việc kiểm tra, đánh giá hệ thống kiểm soát ATVSTP đối với cá tra của Việt Nam sẽ là cơ hội để ngành hàng sản xuất, nuôi trồng, chế biến cá tra cơ cấu lại sản xuất và nâng cao hiệu quả nuôi trồng, chế biến thời gian tới…”.

Cá tra nuôi theo mô hình ATVSTP được thu hoạch tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Trước đó, tháng 5-2018, Đoàn Thanh tra của FSIS đã đến vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL đánh giá và ghi nhận việc thực thi hệ thống kiểm soát ATVSTP trong quá trình sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các quy định của Hoa Kỳ. Sau khi FSIS công bố dự thảo công nhận hệ thống của Việt Nam và xin ý kiến công chúng, đến cuối tháng 10-2019, Hoa Kỳ đã chính thức công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Theo NAFIQAD, lần này Đoàn Thanh tra của FSIS tiếp tục tái thực hiện đánh giá nhằm duy trì hệ thống kiểm soát ATVSTP cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Những ngày đầu tháng 2-2020, sau khi đoàn công tác Bộ NN&PTNT rà soát, kiểm tra thực địa từ vùng nuôi cá tra và hệ thống các nhà máy chế biến thủy sản của 13 doanh nghiệp ở ĐBSCL, TS Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - nhận xét: “Nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL đã định hình và đạt nhiều bước tiến mới. Trước tiên trong khâu sản xuất cá giống, năm 2019 toàn vùng nuôi có 200 cơ sở sản xuất giống cá tra và 3.000ha ương dưỡng cá giống, sản xuất được khoảng 21 tỉ cá tra bột, tạo ra hơn 2,1 tỉ cá tra giống, đồng thời đã thay thế được 45.000 con cá bố mẹ chọn giống. Con giống được kiểm dịch một số bệnh nguy hiểm, đảm bảo an toàn khi nuôi trồng và chất lượng khi thu hoạch...”.

Theo đáng giá của đơn vị chuyên môn, hiện 10 tỉnh, thành ở khu vực ĐBSCL có vùng nuôi cá tra đều có kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho cá. Mặt khác, các địa phương cũng thực hiện quan trắc kiểm soát môi trường nước; Tổng cục Thủy sản và Ủy hội sông Mê Công thực hiện quan trắc tại các điểm đầu nguồn sông Mekong; các địa phương quan trắc vùng nuôi, cơ sở nuôi quan trắc tại các ao nuôi… nên chất lượng sản phẩm được đảm bảo an toàn. Riêng về thức ăn thủy sản cho cá tra: 100% cơ sở sản xuất thức ăn công nghiệp được kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh và 100% cơ sở nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp; 100% cơ sở nuôi được kiểm soát về an toàn thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm, trong đó 70% diện tích của cơ sở nuôi đạt chứng nhận GAP (1.900ha được chứng nhận VietGAP, khoảng 2.000ha được chứng nhận ASC, Naturland, Golbal GAP, BAP…); 4.860 ao nuôi được cấp mã số nhận diện, đáp ứng điều kiện truy xuất nguồn gốc và quản lý bằng phần mềm trên website (http://dulieucatra.mard.gov.vn/General/login/default.aspx).

Cơ hội

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2019 diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL đạt 6.600ha, tăng gần 23% so với năm 2018; sản lượng đạt 1,42 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 2,01 tỉ USD, giảm 11,4% so với năm 2018… Ngành hàng cá tra xuất khẩu tăng trưởng không cao do các quốc gia nhập khẩu đều lập hàng rào kỹ thuật, kiểm soát quy trình sản xuất, chế biến gắt gao, đồng thời chiến tranh thương mại làm cho thị trường xuất khẩu luôn gặp khó. Để tháo gỡ khó khăn, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo toàn ngành ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình nuôi trồng đảm bảo ATVSTP và phòng chống dịch... trong suốt quá trình nuôi, chế biến. Năm 2020, dự kiến diện tích nuôi cá tra tại ĐBSCL 6.500-6.600ha, với lượng cá giống từ 2 đến 2,5 tỉ con; sản lượng cá tra thương phẩm thu hoạch ước 1,42 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu 2,1-2,3 tỉ USD… Quá trình nuôi chú ý thực hiện thanh tra, kiểm tra vật tư đầu vào; thúc đẩy liên kết trong sản xuất, nuôi trồng theo mô hình nuôi cá tra 3 cấp; tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường trên sông Mekong và các vùng nuôi tập trung…

Để chuẩn bị đón Đoàn công tác FSIS của Hoa Kỳ, ông Ngô Hồng Phong, đại diện NAFIQAD yêu cầu các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra rà soát, cải thiện điều kiện đảm bảo ATVSTP, chương trình quản lý chất lượng và hồ sơ thực hiện trong toàn bộ quá trình sản xuất, vận chuyển, sơ chế, chế biến cá tra xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp chủ động cử cán bộ phối hợp với cơ quan quản lý nuôi trồng ở địa phương rà soát điều kiện đảm bảo ATVSTP, hồ sơ quản lý ao nuôi tại các cơ sở cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Đối với doanh nghiệp có lô hàng bị FSIS cảnh báo, cần lưu trữ đầy đủ hồ sơ, bao gồm văn bản cảnh báo, báo cáo điều tra nguyên nhân, kết quả thực hiện các biện pháp khắc phục và các bằng chứng cụ thể để chứng minh…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: khi Đoàn công tác FSIS tiến hành sang kiểm tra lần thứ 2 cũng là cơ hội để chúng ta kiểm tra cơ cấu sản xuất và là cơ hội có thêm nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ hưởng thuế suất bằng 0% và phát huy lợi thế tiềm năng rất lớn thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: “Năm 2020 nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đối đầu với nhiều khó khăn thách thức đã có từ trước và sẽ phải đối đầu với thách thức khó khăn từ thị trường Trung Quốc. Do đó chúng ta phải khắc phục khó khăn từ thị trường Trung Quốc trong thời gian phòng chống dịch COVID-19. Chúng ta vừa phải tìm kiếm thị trường khác cho nông sản nói chung, cho ngành hàng cá tra nói riêng, vừa tổ chức sản xuất, tạm trữ, dự trữ, chế biến, khơi thông và phát huy tiềm năng thị trường trong nước với hơn 96 triệu dân; đồng thời chú trọng phát triển thị trường truyền thống: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Brasil… để xuất khẩu thủy sản sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, khắc phục những khó khăn trên...

Theo HÀ VĂN (Báo Cần Thơ)