Cơ hội cho nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long từ Hiệp định EVFTA

16/08/2020 - 19:37

Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1-8-2020 như “con đường cao tốc” hướng Tây, kết nối Việt Nam với một không gian thị trường hơn 450 triệu dân và có tiềm năng hàng đầu thế giới.

Ngày 6-8 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với chủ đề “Triển khai Kế hoạch thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)”, Hiệp định có hiệu lực từ ngày 1-8-2020 như “con đường cao tốc” hướng Tây, kết nối Việt Nam với một không gian thị trường hơn 450 triệu dân và có tiềm năng hàng đầu thế giới. 

Theo Thủ tướng, cơ hội đã có, đường cao tốc đã mở, để vượt lên, vượt qua thách thức, nhất là thách thức suy giảm kinh tế rất khó khăn hiện nay, thực hiện khát vọng giàu mạnh, chúng ta phải có quyết tâm cao hơn nữa, thay đổi tư duy, phải hành động mạnh mẽ, quyết liệt và sáng tạo hơn nữa. 

Đó là tinh thần hướng tới mục tiêu nâng tầm trình độ và phát triển của doanh nghiệp (DN) và cả nền kinh tế khi mà các DN Việt Nam được chơi và tiến tới được đua với những tập đoàn, DN lớn, phát triển cao của EU…

Ngành chế biến thủy sản xuất khẩu vùng ĐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn đưa hàng vào thị trường EU. 

Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có lợi thế lớn khi những mặt hàng nông sản rộng cửa và đón ưu đãi thuế khi EVFTA có hiệu lực; tạo điều kiện để các DN trong vùng dễ dàng tiếp cận những tiến bộ về khoa học, công nghệ từ các nước tiên tiến. 

Từ đó, mạnh dạn đổi mới, tạo bứt phá và đưa ngành hàng này vươn xa hơn. Tuy nhiên để tận dụng được cơ hội này, DN cần phải thay đổi sản xuất, chuẩn hóa chuỗi giá trị để đáp ứng được yêu cầu khắt khe mà các nước EU đặt ra. 

EVFTA có hiệu lực sẽ tác động rất lớn đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, trong đó ngành hàng đang có lợi thế là nông nghiệp. Với lợi thế thủy sản, trái cây, lúa gạo… được xem là đòn bẩy để các DN xuất khẩu của vùng tiếp cận và đưa hàng hóa vào thị trường này, nhất là khi thuế quan đối với nhiều mặt hàng sẽ về 0% hoặc có lộ trình cụ thể. 

Theo ông Nguyễn Trường Thịnh, Phó Giám đốc Công ty chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre), Công ty đã đưa sản phẩm vào thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… và một số nước khác. Khi EVFTA có hiệu lực, rõ ràng thuế xuất một số mặt hàng sẽ về 0%, trong đó có sản phẩm chế biến từ dừa của công ty. Đây là cơ hội lớn đối với DN khi hiện nay thị trường Châu Âu đang chiếm từ 25-30% doanh thu xuất khẩu của công ty. Kỳ vọng từ EVFTA, công ty sẽ tăng lên từ 40-50% doanh thu trong những năm tới. 

EVFTA được ví như “con đường cao tốc” để nối thị trường Việt Nam với EU

Ông Nguyễn Chí Tâm, Thư ký Hiệp hội DN tỉnh Hậu Giang cho rằng, để tận dụng cơ hội từ EVFTA, trước hết mỗi DN phải tìm hiểu, có sự chuẩn bị về thị trường. Cơ hội là rõ ràng, nhưng cũng không ít thách thức nếu DN không biết tận dụng hiệp định này. Còn ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, chia sẻ: “Địa phương có nhiều DN xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và một số thị trường khác, tập trung vào lĩnh vực may mặc, giày da, thủy sản và những sản phẩm được làm từ dừa. Doanh thu xuất khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh Bến Tre bình quân hàng năm khoảng 1,2 tỷ USD, trong đó thị trường Châu Âu chiếm chủ yếu”. 

Theo ông Sơn, EVFTA là cơ hội rất lớn cho các DN, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu. Vì vậy, để nắm bắt cơ hội, địa phương đã có sự chuẩn bị trước đó đến các DN, để các doanh nghiệp tìm hiểu, tiếp cận và có những chính sách chiến lược khi hiệp định này chính thức có hiệu lực. 

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang EU đang đứng trước cơ hội rất lớn khi DN có thể tiếp cận một thị trường tiêu thụ thủy sản khổng lồ với mức tiêu thụ thủy sản trung bình đạt mức 22,03 kg/người (cao hơn 5,34 kg so với mức trung bình của thế giới). 

Đặc biệt, EVFTA sẽ là hiệp định có tác động mạnh nhất, tạo một bước ngoặt lớn về cơ cấu thị trường cho mặt hàng tôm của Việt Nam. Các hiệp định trước đó chỉ giúp đưa thuế nhập khẩu từ vài phần trăm trước đó về bằng 0%, nhưng với EVFTA, gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%, sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế). Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về 0% sau từ 3 đến 7 năm. 

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP chia sẻ, EU đã, đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. Thị trường này luôn chiếm từ 17%-18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hàng năm. Trong đó, riêng sản phẩm tôm, EU chiếm 22% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30-35%. 

“Trước khi có EVFTA, mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU phải chịu mức thuế trung bình trên 10%. Khi EVFTA có hiệu lực, mức cắt giảm thuế về 0% tương ứng với 90% số mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này. Việc xóa bỏ thuế quan đối với hầu hết mặt hàng thủy sản sẽ tạo lợi thế quan trọng cho Việt Nam khi cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường EU. Đặc biệt, EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam phục hồi lại đà xuất khẩu cá tra vào thị trường EU, nhất là các nước nói tiếng Tây Ban Nha. EVFTA với các điều khoản về cam kết về môi trường, truy xuất nguồn gốc chặt chẽ sẽ giúp tâm lý các nhà nhập khẩu yên tâm hơn, từ đó gia tăng được số lượng xuất khẩu”, ông Trương Đình Hòe cho hay.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết, nông nghiệp và thủy sản sẽ là những ngành hàng hưởng lợi nhiều khi thuế EU dành cho Việt Nam ở mức thấp, trong đó một số hàng hóa sẽ về mức 0% khi hiệp định có hiệu lực từ ngày 1-8. Tuy nhiên, các DN cần đặc biệt quan tâm đến những tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, sở hữu trí tuệ… đây là vấn đề mà phía EU quan tâm. 

“Đối với những hiệp định mà được thông qua có hiệu lực, chúng tôi sẽ xây dựng những tổ tư vấn để DN chuẩn bị và nắm bắt ngay những cơ hội này. Chúng tôi tiếp tục liên hệ với các hiệp hội, các tổ chức thương mại trên thế giới để có sự liên kết về tiêu thụ về thị trường, những điều kiện đầu tư để cung cấp cho DN”, ông Nguyễn Phương Lam nói.

EVFTA được ví như “con đường cao tốc” để nối thị trường Việt Nam với EU. Tuy nhiên, để được vào “con đường cao tốc” này ngoài việc tháo gỡ các rào cản về thể chế, thì DN Việt Nam nói chung, DN vùng ĐBSCL nói riêng, nhất là DN xuất khẩu nông sản phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu, cam kết từ hiệp định và luật lệ quốc tế…

Theo ĐỨC VĂN - H.PHẠM (Công an nhân dân)