Cơ hội lớn và được xem là rõ nét nhất được đa số chuyên gia nhận định có khả năng hồi phục nhanh và tăng tốc mạnh chính là ngành nông nghiệp, trong đó, lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái và rau màu đang đứng trước những cơ hội rất lớn một khi tình hình dịch Covid-19 trên thế giới được khống chế.
Lúa gạo và thủy sản sẽ là những mặt hàng chủ lực được dự báo có tốc độ tăng trưởng cao từ nay đến cuối năm.
Không như một số lĩnh vực khác của ngành nông nghiệp, ngay trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên thế giới và trong nước buộc phải thực hiện cách ly xã hội để tránh dịch lây lan thì sản xuất, tiêu thụ lúa gạo vẫn diễn ra rất tốt. Không chỉ vượt qua được khó khăn về hạn, mặn để bảo toàn năng suất, sản lượng, xuất khẩu gạo còn mang đến niềm vui cho nông dân và doanh nghiệp khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và nhu cầu gạo thế giới vẫn còn rất lớn. Mới đây, thị trường nhập khẩu gạo lớn là Philippines có nhu cầu nhập khẩu thêm 300.000 tấn gạo để đảm bảo lượng gạo dự trữ trong bối cảnh chống dịch Covid-19 và Việt Nam là một trong số các quốc gia được mời tham dự đấu thầu lô gạo này. Lúa gạo Việt Nam đang đứng trước thuận lợi và cơ hội rất lớn không chỉ ở khả năng tiêu thụ mà còn cả tính hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh ở năm lương thực 2020 này.
Nếu như lúa gạo đã và đang rất ổn thì thủy sản, mà chủ lực là con tôm nước lợ, sau những khó khăn của 3 tháng đầu năm cũng bắt đầu bật dậy và hứa hẹn sẽ có sự tăng tốc mạnh từ nay đến cuối năm. Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam (VASEP) cho biết, trong quý I-2020, ngoại trừ thị trường EU và Trung Quốc giảm mạnh, còn lại thị trường Mỹ và Nhật Bản vẫn có sự tăng trưởng khá tốt. Chính điều này đã giúp kim ngạch xuất khẩu tôm trong 4 tháng đầu năm ước đạt 1 tỉ USD. Không chỉ có kết quả khả quan trong 4 tháng đầu năm, theo dự báo, ngành tôm đang đứng trước cơ hội để có thể tăng tốc và về đích ở mức 3,8 tỉ USD, tức tăng khoảng 400 – 600 triệu USD so với kế hoạch.
Cây ăn trái và rau màu sẽ thuận lợi hơn cả về sản xuất lẫn tiêu thụ thời hậu Covid-19.
Dẫn chứng cho cơ hội trên, ông Hòe cho rằng, 2 nước xuất khẩu tôm lớn là Ấn Độ và Ecuador nhiều khả năng sẽ giảm sản lượng khoảng 50% do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong khi đó, với việc khống chế thành công dịch bệnh này, Việt Nam đang được các nhà nhập khẩu tôm tin tưởng tìm đến để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung từ 2 quốc gia trên. Mặt khác, hiện các thị trường lớn như: EU, Mỹ, số ca nhiễm Covid-19 cũng đang giảm dần và sự mở cửa nền kinh tế sẽ chỉ là vấn đề thời gian. Riêng thị trường Trung Quốc, ngay sau khi dịch Covid-19 thuyên giảm đã mở cửa trở lại giúp cho việc tiêu thụ tôm trở nên tốt hơn. Đó là chưa kể lợi thế về hiệp định EVFTA sau khi được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn tại kỳ họp tới đây sẽ giúp con tôm Việt Nam tăng tính cạnh tranh tại thị trường EU khi có lợi thế về thuế suất 0%.
Từ cuối tháng 5 trở đi, vùng cây ăn trái và rau màu lớn nhất cả nước ở đồng bằng sông Cửu Long chính thức vào mùa mưa, nên diện tích, năng suất, sản lượng theo đó cũng sẽ tăng hơn nhờ nguồn nước tưới tiêu được đảm bảo. Không những thế, nhu cầu tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu các mặt hàng trên cũng sẽ lớn hơn khi hầu hết các thị trường đều đã mở cửa một phần hoặc hoàn toàn. Từ nay đến cuối năm cũng là thời điểm chính vụ của nhiều loại cây ăn trái, rau màu chủ lực ở đồng bằng sông Cửu Long, nên có thể nói, cơ hội hồi phục và tăng tốc không chỉ dành riêng cho lúa gạo hay thủy sản mà còn có cả mặt hàng cây ăn trái và rau màu nữa.
Nông nghiệp đang đứng trước cơ hội rất lớn để làm cú ngược dòng thành công thời hậu Covid-19 và đó gần như là chắc chắn, bởi hầu hết các yếu tố cần và đủ về thời tiết, thị trường… đều đang ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn còn một chút đắn đo khi đưa ra nhận định về ngành hàng chăn nuôi, bởi cho đến thời điểm hiện tại, người chăn nuôi heo vẫn rất khó có đủ điều kiện để tái đàn dù giá heo hơi đang cao ngất ngưởng. Ngược lại, đối với những hộ chăn nuôi gia cầm dù khả năng tái đàn là rất nhanh, nguồn con giống rất dồi dào, nhưng giá tiêu thụ hiện vẫn bấp bênh, khiến họ thiếu an tâm.
Với việc khống chế thành công dịch Covid-19 cùng với tình hình an ninh, chính trị ổn định, Việt Nam đang trở thành điểm đến an toàn và hấp dẫn nhất không chỉ đối với khách du lịch, mà cả các nhà đầu tư nữa. Đây cũng chính là lý do để các doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất lớn đưa Việt Nam vào danh sách một trong những điểm đến ưu tiên hàng đầu trong quá trình chuyển dịch sản xuất thời hậu Covid-19.
Cơ hội đang rất lớn và cũng rất rõ ràng; các kịch bản, giải pháp cho sự hồi phục và tăng tốc cũng được chuẩn bị khá kỹ lưỡng nên “chiếc lò xo thép” kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ bung mạnh sau thời gian bị dồn nén vì dịch Covid-19 và những khó khăn khác để đưa kinh tế tăng tốc, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu kinh tế đã đề ra.
Theo TÍCH CHU (Báo Sóc Trăng)