Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (thứ 2 từ phải sang) khảo sát thực tế Cụm Công nghiệp Cái Tàu Hạ - An Nhơn, huyện Châu Thành (Ảnh: D.C)
Tốc độ tăng trưởng kinh tếnhiều tỉnh vượt kế hoạch đề ra
Trong năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội nước ta, trong đó có các tỉnh Tây Nam Bộ. Trước bối cảnh đó, với sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, sự nỗ lực của các tỉnh Tây Nam Bộ đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) nhiều tỉnh trong cụm vươn lên sau dịch Covid-19, trong đó các tỉnh có mức tăng trưởng cao như: Trà Vinh tăng 3,45%, đạt 261,36% kế hoạch; Vĩnh Long tăng 11,28%, đạt 188% kế hoạch; Hậu Giang tăng 13,94%, đạt 174,25% kế hoạch; An Giang tăng 6,87%, đạt 132,12% kế hoạch; Long An tăng 8,46%, đạt 130,15% kế hoạch; Kiên Giang tăng 7,7%, đạt 127,91% kế hoạch; Đồng Tháp tăng 8,62%, đạt 123,14% kế hoạch. Các tỉnh còn lại tăng trưởng trung bình từ 6,5 - 9,6%, đạt trung bình từ 91,63 - 118,62% kế hoạch.
Thu ngân sách của Cụm thi đua đạt khá cao so với kế hoạch đề ra, tổng thu được 97.725,24/83.703 tỷ đồng, đạt 116,75% so kế hoạch. Trong đó, một số tỉnh trong Cụm thi đua có số thu ngân sách vượt cao như: Bạc Liêu đạt 129,49%; Long An đạt 127,16%; Hậu Giang đạt 124,50%; Tiền Giang đạt 123,38%; Cà Mau đạt 122%. Các tỉnh còn lại trong Cụm thi đua thu vượt từ 101,73 - 119,68% so kế hoạch. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 21.547/19.475 triệu USD, đạt 110,63% kế hoạch. Một số tỉnh vượt chỉ tiêu như: Vĩnh Long đạt 793 triệu USD; Sóc Trăng đạt 1.500 triệu USD; Đồng Tháp đạt 1.475 triệu USD...
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến rõ nét, đời sống Nhân dân được cải thiện và ngày càng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được củng cố, mở rộng. Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, hoạt động du lịch, văn hóa, xã hội dần sôi động trở lại; những giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình tốt đẹp, gương “Người tốt, việc tốt” tiếp tục được nhân rộng, lan tỏa trong cộng đồng. Những kết quả trên có sự đóng góp tích cực của phong trào thi đua yêu nước, công tác thi đua, khen thưởng.
Hưởng ứng có hiệu quả các phong trào thi đua
Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)” giai đoạn 2021 - 2025, do Trung ương phát động được các tỉnh quan tâm chỉ đạo, tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện. Đặc biệt, tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị y tế, giáo dục để phát triển bền vững. Duy trì, củng cố, giữ vững nâng cao chất lượng các tiêu chí ở đơn vị đạt chuẩn và thí điểm xây dựng huyện, xã NTM nâng cao. Lũy kế đến năm 2022, các tỉnh trong Cụm thi đua thực hiện xã, huyện đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Cụ thể: tỉnh Đồng Tháp có 109/115 xã đạt NTM, trong đó có 21 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và có 2/9 huyện đạt chuẩn huyện NTM; 3/3 đơn vị thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tỉnh Trà Vinh có 82/85 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 35 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và có 3 xã đã thẩm định đạt tiêu chuẩn NTM kiểu mẫu đang chờ quyết định của cấp có thẩm quyền.
Hay, phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam Hội nhập và phát triển”, dù trong điều kiện khó khăn chung của cả nước, các tỉnh trong Cụm thi đua đã triển khai nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Các tỉnh quan tâm triển khai chương trình trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, duy trì tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm tuyên truyền, giới thiệu về những tiềm năng, thế mạnh, chính sách ưu đãi đầu tư của mỗi tỉnh; tổ chức gặp gỡ trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp. Từ đó, các doanh nghiệp đã phát động nhiều phong trào thi đua chuyên đề khơi dậy tinh thần sáng tạo, năng suất lao động vượt qua khó khăn để hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tích cực tham gia các hoạt động an sinh, xã hội tại địa phương. Các tỉnh có số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao như: tỉnh Đồng Tháp có 613 doanh nghiệp thành lập mới (năm 2021 toàn tỉnh có 4.300 doanh nghiệp đang hoạt động); tỉnh Cà Mau có 562 doanh nghiệp thành lập mới (cùng kỳ năm 2021, Cà Mau có 340 doanh nghiệp thành lập mới).
Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các tỉnh đã chỉ đạo huy động nguồn lực, chung tay thực hiện các biện pháp giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tập trung vào 3 nhóm chính sách: hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nghèo; hỗ trợ cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều (nhà ở, giáo dục, y tế, thông tin, điện, nước sạch); phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Kết quả trong năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo các tỉnh đều giảm, đạt theo kế hoạch đề ra.
Theo Báo Đồng Tháp