Cuối năm, cảnh giác với các hành vi lừa đảo

03/01/2025 - 08:43

Thời điểm cuối năm, nhiều loại tội phạm hoạt động manh động hơn, đặc biệt là các nhóm đối tượng lừa đảo. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người dân cũng cần ý thức, cảnh giác trước thủ đoạn của các đối tượng.

Cuối tháng 11-2024, Công an huyện Long Mỹ đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Quang Tiền (sinh năm 2001), trú tỉnh Kiên Giang để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan công an khởi tố Lê Quang Tiền về hành vi lừa đảo trên không gian mạng.

Muôn kiểu lừa đảo qua mạng

Trước đó, vào tháng 4-2024, Lê Quang Tiền lấy tên giả gọi điện thoại cho ông H., ở huyện Long Mỹ xưng là nhân viên điện lực từng kéo điện cho ông này, nên biết được hoàn cảnh gia đình khó khăn và muốn giúp đỡ.

Tiền cho biết có người chú ở Thành phố Hồ Chí Minh làm thầu số, nên biết trước kết quả xổ số và sẽ cho số để đánh đề chắc trúng. Sau đó, Tiền tiếp tục đóng vai người chú làm thầu số yêu cầu ông H. chuyển tiền trước và bị hại đã chuyển vào tài khoản đối tượng 37 triệu đồng.

Sau khi nhận được tiền thì Tiền liền cắt liên lạc với nạn nhân. Nhận được tin báo, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh đã làm rõ hành vi của Tiền và ra quyết định khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ cho Công an huyện Long Mỹ tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

Tương tự, trước đó, Công an huyện Phụng Hiệp cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với Nguyễn Ngọc Tân về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi Tân vốn không có nghề nghiệp ổn định, vào tháng 6-2024, khi thấy trong nhóm mua bán xe cũ Hậu Giang có nick Facebook Nguyễn Tùng đăng thông tin cần thuê người làm thủ tục chuyển chủ sở hữu xe, nên Tân nảy sinh ý định nhận làm hồ sơ xe với mục đích chiếm đoạt tiền tiêu xài cá nhân.

Tân sau đó trao đổi, thỏa thuận với Tùng nhận làm hồ sơ với giá 700.000 đồng và được Tùng đồng ý. Vào ngày 18-6-2024, Tân hẹn gặp Tùng tại quán cà phê ở thành phố Ngã Bảy. Tại đây, sau khi xem hồ sơ, Tân yêu cầu Tùng đưa trước 500.000 đồng, rồi hẹn 7 ngày sau hoàn thành hồ sơ và sẽ nhận số tiền còn lại. Đến ngày 2-7-2024, Tùng tin tưởng nên giao xe và giấy chứng nhận đăng ký xe, kèm hợp đồng mua bán xe để Tân làm thủ tục.

Tuy nhiên, sau khi nhận xe cùng các giấy tờ có liên quan, Tân chiếm đoạt và đổi tên facebook, chặn tất cả liên lạc với Tùng. Bức xúc vì bị lừa đảo, Tùng đến Công an huyện Phụng Hiệp trình báo và đến ngày 19-10-2024 thì Tân bị cơ quan công an bắt giữ.

Người dân cần nêu cao cảnh giác

Các cơ quan chức năng đánh giá, những năm qua, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng manh động, với thủ đoạn tinh vi từ lừa bán nền tái định cư ảo, làm giả giấy tờ đất, giấy tờ xe… đến sử dụng mạng xã hội, internet và các hoạt động giao dịch trên không gian mạng để lừa đảo.

Trong đó, các đối tượng đã nhắm vào xu hướng hiện nay là phần lớn người dân sử dụng thiết bị công nghệ trong giao dịch, mua bán và trao đổi hàng hóa, thông tin để lừa đảo. Cụ thể, năm 2024, toàn tỉnh đã khởi tố 44 vụ/46 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Riêng trên không gian mạng, lực lượng công an đã tiếp nhận 31 tố giác, tin báo tội phạm liên quan tội phạm công nghệ cao. Qua đó, làm rõ 4 vụ lừa đảo trên không gian mạng, khởi tố 4 đối tượng. Tổng thiệt hại theo lời khai ban đầu của các bị hại trên không gian mạng trong năm 2024 tại tỉnh hơn 8,6 tỉ đồng.

Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, qua phân tích một số vụ việc cụ thể cho thấy, những thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, bọn chúng thường hoạt động có tổ chức và lên kế hoạch dàn dựng sát với thực tế đánh trúng vào tâm lý của nạn nhân. 

“Do đó, với các giao dịch có giá trị cao như nhà ở, đất đai, xe cộ... người dân cần liên hệ với chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền để làm rõ về tính pháp lý của tài sản”, ông Liêm khuyến cáo.

Còn đại tá Huỳnh Việt Hòa, Giám đốc Công an tỉnh, đề nghị, trước các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, người dân cần nêu cao cảnh giác để phòng tránh sập bẫy kẻ xấu. Đặc biệt là trên môi trường không gian mạng, người dân cần chú ý vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân; không chia sẻ các thông tin như tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ email, số tài khoản ngân hàng, mã OTP... 

Người dân cũng cần kịp thời cung cấp thông tin hành vi, nghi vấn lừa đảo đến cơ quan chức năng. Khi có người nhận là cán bộ cơ quan chức năng liên hệ công việc, người dân phải đến chính quyền cơ sở hoặc công an cơ sở xác thực thông tin để nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời.

“Lực lượng công an không làm việc qua điện thoại hay mạng xã hội. Người dân không nghe, không tin, cũng không nhận bất cứ thông tin gì mà người lạ đưa đến cho chúng ta để nhận lợi ích trên không gian mạng, vì đó có thể là hành vi lừa đảo”, đại tá Huỳnh Việt Hòa khẳng định.

Theo Báo Hậu Giang