Đa dạng sản phẩm du lịch khai thác văn hóa bản địa

04/11/2024 - 08:50

Văn hóa bản địa được xem là tài nguyên đem đến nét đặc trưng cho du lịch của vùng đất. Việc khai thác tốt các giá trị văn hóa trong hoạt động du lịch sẽ làm nên những sản phẩm khác biệt thu hút du khách. Tại Cần Thơ, nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch đã sớm tiếp cận xu hướng này và ngày càng có nhiều đơn vị khai thác đa dạng sản phẩm du lịch từ văn hóa.

Du khách quốc tế tìm hiểu kiến thức làm lúa cùng nông dân (phải). Ảnh: TỐ QUYÊN

Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ Mekong Silt Ecolodge , cho biết: “Ba từ khóa quan trọng của chúng tôi là: Mekong Silt, tài nguyên bản địa và gắn kết. Mekong Silt hiểu ngắn gọn là dòng chảy phù sa Mekong, đó là văn hóa từ nước. Những ngôi nhà bên sông, chợ nổi, mùa nước nổi, phong tục tập quán đều gắn liền với sông nước. Ðây là giá trị cốt lõi để làm nên những trải nghiệm khác biệt cho du khách. Và nói về văn hóa bản địa thì không ai hiểu rõ hơn người địa phương, nên cần kết nối. Làm du lịch theo hướng bền vững thì phải giữ và biết cách khai thác giá trị văn hóa bản địa, nâng giá trị tài nguyên. Từ những điều tưởng như bình thường đó, chúng tôi sáng tạo những sản phẩm du lịch giá trị”.

Thực tế, các sản phẩm trải nghiệm tại Mekong Silt Ecolodge rất quen thuộc với người miền Tây Nam Bộ nhưng vẫn có chất riêng. Mảnh vườn, bờ ao, những sản vật bình dị của miền Tây đều có thể trở thành sản phẩm có giá trị. Lấy ví dụ như những bông hoa dại xuyến chi có thể tạo thành món ăn ngon đãi du khách, hay chanh dây có thể trở thành nguyên liệu cho các workshop nấu ăn, làm enzyme/xà phòng… Với cách làm này, khách đến Mekong Silt Ecolodge có nhiều trải nghiệm đa dạng gắn bó với người địa phương, tìm hiểu về phong tục tập quán. Hướng dẫn viên Nguyễn Thị Kim Xuân, nhân viên tại Mekong Silt Ecolodge, chia sẻ: “Khi khách lưu trú tại đây, chúng tôi có nhiều hoạt động để du khách trải nghiệm. Cụ thể như hành trình đưa du khách đạp xe tham quan tìm hiểu đời sống của người dân Phong Ðiền, hay đi ghe khám phá sông rạch, chợ nổi… Trong mỗi hành trình như vậy, tôi luôn giới thiệu những nét đặc trưng văn hóa bản địa, quá trình hình thành những xóm làng ven sông, chợ nổi, ghe hàng ở kênh rạch… Làm sao để truyền tải được nhiều thông tin nhất về văn hóa, tập quán của người dân bản địa”.

Tương tự, bà Lê Thị Tố Quyên, đại diện vườn trái cây Vàm Xáng, cho biết: “Muốn thu hút khách và để khách lưu luyến quay lại điểm đến thì cần có sản phẩm du lịch khác biệt và chỉ có văn hóa bản địa mới tạo được nét khác biệt đó. Nói đến Việt Nam, đặc biệt là vùng ÐBSCL người ta sẽ nghĩ ngay đến cây lúa và chúng tôi mạnh dạn làm sản phẩm từ đồng lúa, không chỉ có vậy mà còn có thêm sản phẩm từ nương rẫy, nấm rơm. Cần Thơ được biết có hệ thống sông rạch chằng chịt, nhất là tại Phong Ðiền hiện còn nhiều con rạch rất đẹp, như là rạch Vinh (xã Mỹ Khánh) rất thơ mộng với dừa nước, hàng bần xanh tươi. Ðây cũng là tuyến chính để chúng tôi đưa du khách trải nghiệm đồng lúa, nương rẫy từ các phương tiện xe đạp, ghe xuồng. Những trải nghiệm này rất được du khách yêu thích”. Theo đó, tùy theo mùa, các trải nghiệm cũng linh hoạt để du khách có thể tìm hiểu, cảm nhận về đời sống của người dân miền Tây. Khách có thể giặm lúa, cắt lúa, thu hoạch nấm rơm, hái bắp… Ðặc biệt tại đây họ gặp những người nông dân thực thụ hướng dẫn, trò chuyện, thưởng thức nông sản tại chỗ.

Khai thác giá trị văn hóa bản địa làm sản phẩm du lịch là quá trình dài, không dễ dàng. Bởi vì các sản phẩm về văn hóa không chỉ đòi hỏi chiều sâu tri thức mà còn cần sự sáng tạo thích ứng linh hoạt. Mỗi một địa phương, điểm đến, di tích, lễ hội, hay con người, món ăn… đều chứa đựng trong đó câu chuyện gắn liền những giá trị văn hóa khác biệt. Người làm du lịch phải biết cách khai thác và kể câu chuyện có sức hấp dẫn riêng. Cũng từ văn hóa bản địa, sông nước nhưng ở Mekong Silt Ecolodge có câu chuyện về du lịch bền vững, tuần hoàn, nâng chất giá trị nông sản; còn ở vườn trái cây Vàm Xáng lại là câu chuyện nông nghiệp truyền thống, đời sống thường nhật của người nông dân.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, Tổng Giám đốc công ty TNHH Nhà hàng Khách sạn và Du lịch Hải Âu Cần Thơ, chia sẻ: “Khi có đủ tri thức về văn hóa bản địa, nhìn đâu cũng sẽ thấy sản phẩm du lịch. Thực tế, sản phẩm có sức sống khi du khách được tiếp cận với những con người giữ tri thức dân gian, từ chú Chín Của làm hủ tiếu, chú Hai Hiến làm thúng đến bà Hai đan giỏ lùn…. Ðể làm điều này, chúng tôi đi vào cộng đồng, tiếp xúc người dân địa phương, tìm hiểu từ nét văn hóa đặc trưng ở mỗi nơi. Trên cơ sở này, chúng tôi xây dựng khung sản phẩm cơ bản, có các chương trình trải nghiệm, workshop làng nghề… Sau đó, tùy theo từng thị trường sẽ có những sản phẩm chuyên biệt phù hợp”. Cụ thể, tại Cần Thơ, đơn vị có bộ sản phẩm chuyên về di sản bên sông, trong đó hành trình là khám phá chợ nổi, gặp gỡ những nghệ nhân của các làng nghề truyền thống dọc bên sông ở xóm thúng Yên Hạ, xóm chiếu Thường Thạnh, chợ truyền thống… Du khách khi trải nghiệm những hành trình này không dừng lại ở việc chỉ nghe, tìm hiểu mà còn kết hợp các ứng dụng công nghệ góp phần lan tỏa hình ảnh của điểm đến.

Thống kê từ Tổ chức Du lịch thế giới, văn hóa đóng góp 37% du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng 15% mỗi năm. Ðiều này cho thấy phát triển du lịch dựa trên khai thác giá trị văn hóa ngày càng được quan tâm và chú trọng. Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã khởi xướng đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa nhằm tạo ra các dòng sản phẩm đồng bộ, phấn đấu đến năm 2030 du lịch văn hóa chiếm 15-20% trong tổng 40 tỉ USD doanh thu từ khách du lịch. Ðồng thời định hình và xây dựng thương hiệu của mỗi địa phương, của quốc gia dựa trên nền tảng văn hóa.

Theo ÁI LAM (Báo Cần Thơ)