Để khử mùi hôi của vịt, sau khi đã làm sạch lông, rửa sạch vịt với nước muối pha loãng thì cần thêm một bước là giã nát một mẩu nhỏ gừng trộn với một ít rượu trắng, xát hỗn hợp lên khắp mình vịt. Dùng khăn giấy thấm khô vịt rồi chặt miếng vừa ăn, ướp vịt với chút hành tím, tỏi đập dập và chút bột ngũ vị hương, dầu hào, nước tương, đường, muối, nên nêm cho vị đậm đà, trộn nhiều lần để gia vị ngấm đều vào thịt.
Cho một chút dầu vào chảo, áp chảo to lửa, lật đều hai mặt cho săn chắc miếng thịt, đến khi bề mặt hơi sém thì tắt lửa. Dùng một cái nồi sâu lòng, phi thơm chút hành tím, tỏi băm và ít gừng thái sợi, khi hành tỏi ngả vàng thì trút vịt vào, đổ bia sao cho sâm sấp mặt thịt. Đậy kín nắp, nấu trên lửa vừa khoảng 30 phút.
Trong lúc chờ vịt mềm thì chuẩn bị cải thảo (hoặc cải thìa) ăn kèm. Cải rửa sạch, vẩy ráo nước rồi thái vát hoặc cắt khúc vừa ăn. Khi nước trong nồi gần cạn thì thả rau vào, khi rau chín thì vớt ra, nêm nếm lại nước dùng, tiếp tục nấu đến khi nước trong nồi sánh đặc, còn lại sền sệt, thịt vịt ngả sang màu nâu vàng là món ăn sắp hoàn thành. Chỉ còn mỗi việc xắt khoanh củ hành tây thả vào nồi và tắt bếp.
Món ăn dọn ra, gắp thử một miếng thịt được hầm mềm quyện cùng vị bia thơm thơm không hề có chút mùi tanh từ thịt vịt, với lớp da giòn dai, béo ngậy đậm đà gia vị, ăn không lạ miệng và thật sự rất ngon. Một chút sáng tạo, một chút biến tấu với những nguyên liệu và gia vị quen thuộc hàng ngày là đã có thêm một món ngon cho bữa ăn gia đình! Đám cháu nhao nhao, đứa thì “thả tim”, đứa thì luôn miệng “triệu like” cho thiếm Út…
Theo Báo Bạc Liêu