Nuôi tôm công nghệ cao tại Tập đoàn Việt Úc.
Tiếp đà tăng trưởng
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 8-2024, xuất khẩu thủy sản nước ta tiếp đà hồi phục với mức tăng trưởng 20%, đạt gần 953 triệu USD. Lũy kế 8 tháng của năm 2024, xuất khẩu thủy sản đạt gần 6,3 tỉ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm đến hết tháng 8 đạt gần 2,4 tỉ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu cá tra đạt gần 1,3 tỉ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Có thể thấy, mức tăng trưởng này có sự đóng góp rất lớn từ các tỉnh, thành vùng ÐBSCL.
Tại tỉnh Ðồng Tháp, sản lượng xuất khẩu cá tra ước 9 tháng năm 2024 đạt gần 207.000 tấn, kim ngạch ước đạt 458 triệu USD, xuất khẩu sang gần 80 thị trường. Trong đó, thị trường Mỹ (chiếm tỷ trọng 29%) và Trung Quốc (23%) là 2 thị trường xuất khẩu chủ lực, còn lại là thị trường các nước EU, Mehico, Hàn Quốc, Canada… Ông Nguyễn Văn Luận, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ðồng Tháp, cho biết: Hội nhập kinh tế toàn cầu diễn ra ngày càng sâu rộng, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh không ngừng nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩu, từ đó thúc đẩy việc tham gia trực tiếp vào các mạng phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu. Theo thống kê của VASEP, trong số 5 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất cả nước, Ðồng Tháp có 2 doanh nghiệp là Công ty CP Vĩnh Hoàn và Công ty CP Ðầu tư và Phát triển IDI. Hai doanh nghiệp kể trên và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của tỉnh đã đưa các dòng sản phẩm cá tra phile đông lạnh, cá tra xẻ bướm đông lạnh, cá tra chế biến… mang thương hiệu của doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, EU, Canada, Mehico...
Theo ông Tô Minh Ðương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, diện tích nuôi trồng thủy sản hằng năm của Bạc Liêu đạt 140.000ha, sản lượng 390.000 tấn. Trong đó, sản lượng tôm nuôi bình quân khoảng 247.140 tấn/năm, chiếm hơn 20% tổng sản lượng tôm nuôi của cả nước. Lũy kế 8 tháng năm 2024, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt hơn 145.000ha, sản lượng 231.577 tấn. Ðể đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường, các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao phát triển mạnh, cho năng suất cao hơn từ 10-15 lần so với các mô hình nuôi tôm khác. Toàn tỉnh hiện có 5 vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, diện tích 3.900ha; 2 khu nuôi an toàn sinh học theo chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới; 23 doanh nghiệp, hợp tác xã và 316 hộ dân được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế (BAP, Global GAP, ASC...) và 5 tổ chức được chứng nhận sản phẩm hữu cơ với diện tích 4.584ha.
Tăng kết nối
Mặc dù đạt được kết quả đáng ghi nhận, song hoạt động nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản của vùng vẫn đối mặt thách thức: cạnh tranh gay gắt, rào cản kỹ thuật, phí vận chuyển tăng cao, tác động từ biến đổi khí hậu… Từng bước hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã vượt qua khó khăn, từ đó nâng cao giá trị gia tăng, hướng đến phát triển bền vững, theo Tô Minh Ðương, Bạc Liêu tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản trong tỉnh tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến xuất khẩu các mặt hàng mới, các dòng sản phẩm chế biến sâu vào các thị trường mới, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường; chú trọng nghiên cứu thị trường và các thủ tục xuất nhập khẩu. Ngoài ra, ngành Công Thương cũng kịp thời thông tin các văn bản liên quan đến tình hình xuất khẩu hàng hóa, xúc tiến thương mại, để thông báo đến doanh nghiệp yên tâm, chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đăng ký tham gia.
Ông Nguyễn Văn Luận, nhìn nhận: Hệ thống logistics thiếu tính liên kết đồng bộ, cơ sở hạ tầng không đáp ứng nhu cầu, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn... là những rào cản lớn đối với xuất khẩu nói chung và xuất khẩu thuỷ sản nói riêng. Vì vậy, song song với việc khắc phục, nâng cấp hạ tầng logistics, cần quan tâm đến việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động. Các tỉnh trong vùng cũng cần cơ cấu và đổi mới mô hình tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường liên kết giữa các chủ thể sản xuất từ trong nội bộ vùng đến liên kết ngoài vùng. Ðây là một trong những nội dung quan trọng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng, hạn chế sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa vùng ÐBSCL với các vùng, miền khác trong nước, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của từng địa phương nói riêng và các địa phương trong vùng nói chung.
Ðồng quan điểm trong việc tăng tính kết nối đối với các tác nhân trong chuỗi giá trị xuất khẩu thủy sản, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh: Các sản phẩm nông, thuỷ sản của ÐBSCL đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác, công tác xúc tiến thương mại là giải pháp hữu hiệu giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm thông qua việc xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ và kết nối với các chuỗi cung ứng quốc tế. Thời gian qua, mỗi địa phương có các kế hoạch xúc tiến thương mại riêng lẻ, thiếu sự thống nhất và đồng bộ, dẫn đến tình trạng phân tán nguồn lực và kém hiệu quả trong việc xây dựng thương hiệu chung cho vùng. Vì vậy, vấn đề xúc tiến thương mại quy mô vùng yêu cầu sự hợp tác chặt chẽ giữa các tỉnh thành trong khu vực, không chỉ giúp tăng cường mối quan hệ giữa các địa phương mà còn tạo ra sức mạnh tổng hợp, hỗ trợ các sản phẩm của vùng dễ dàng tiếp cận thị trường lớn hơn. Cùng với đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu chung thông qua các chương trình quảng bá quốc gia và quốc tế. Thương hiệu chung giúp sản phẩm nông, thủy sản của vùng nâng cao uy tín, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Theo MỸ THANH (Báo Cần Thơ)