ĐBSCL: Tôm chết, giá giảm khiến người nuôi khốn đốn

22/05/2019 - 14:07

Ngày 22-5, UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, từ đầu năm đến nay nông dân trong tỉnh thả nuôi hơn 1,21 tỷ con giống tôm sú, trên diện tích 17.430 ha; đồng thời thả nuôi hơn 2 tỷ con tôm thẻ chân trắng với diện tích khoảng 3.600 ha…

Nông dân Trà Vinh theo dõi tình hình các ao nuôi tôm để có phương án phòng, trị bệnh

Con tôm là thế mạnh của tỉnh Trà Vinh, nhất là các huyện như Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Tuy nhiên, gần đây do độ mặn biến động, thời tiết nắng nóng thất thường gây bất lợi cho tôm nuôi. Những ngày qua đã có 115 triệu con tôm sú chết (chiếm gần 13% diện tích thả nuôi); trong khi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại tới 358 triệu con (chiếm gần 16% diện tích thả nuôi)… Hầu hết tôm chết do bệnh gan tụy và đốm trắng. Các ngành chức năng cũng đang triển khai nhiều giải pháp giúp nông dân phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại…

Tại Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang… nhiều hộ nuôi tôm cũng lo lắng khi thời tiết thay đổi khiến tôm bị bệnh. Ông Võ Văn Chồi, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) tiết lộ: “Đến nay, nông dân trong xã thả nuôi hơn 1.331 ha tôm các loại. Thế nhưng mấy ngày qua đã có khoảng 51 ha tôm bị bệnh chết làm nhiều hộ thua lỗ. Bên cạnh đó, giá tôm cũng đang sụt giảm khá nhiều. Hiện thương lái thu mua tôm thẻ loại 50 con/kg với giá 120.000 đồng/kg, loại 60 con/kg giá 110.000 đồng/kg, loại 100 con/kg giá 76.000 đồng/kg, giảm từ 5.000- 15.000 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái; đối với tôm sú loại 30 con/kg giá cũng giảm xuống mức khoảng 155.000 đồng/kg…”.

Cùng với con tôm, một số bãi nuôi nghêu ở vùng ven biển ĐBSCL cũng bị chết. Thống kê mới đây của HTX nghêu Tiến Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) tỷ lệ nghêu nuôi bị thiệt hại từ 30- 40% trên diện tích gần 9ha. Nguyên nhân do nghêu đang vào mùa sinh sản thì gặp điều kiện thời tiết bất lợi làm cho nghêu bị chết. 

Tôm nuôi ở ĐBSCL bị chết và giá giảm, khiến người dân lo lắng 

Theo SGGP