Để ngành hàng cá tra phát triển

25/12/2019 - 08:42

 - “Để ngành hàng cá tra phát triển, theo tôi có mấy việc cần làm như sau: sản lượng nuôi phải luôn thấp hơn nhu cầu của thị trường ít nhất 10%, tổ chức lại quy trình sản xuất theo hướng gắn kết giữa người nuôi và nhà máy chế biến; tiếp tục đưa khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu…” - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.

Để ngành hàng cá tra phát triển

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để chất lượng sản phẩm được nâng lên

Thực trạng

Năm 2019 sắp kết thúc, chuẩn bị bước sang năm mới 2020, vậy mà giá cá tra trên thị trường vẫn còn ở mức thấp. Bình quân cá tra trong kích cỡ xuất khẩu (600 - 800gr), giá  khoảng 19.000-19.500 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi cá lỗ thấp nhất 2.500 đồng/kg.

Vụ nuôi năm nay, gia đình ông Trần Văn Khéo (xã Khánh Hòa, Châu Phú) nuôi được 2 hầm cá thịt. Sản lượng ước khoảng 700 tấn/vụ. Đến nay, cá của ông đã nuôi giáp năm. Trong hầm, cá đã vượt quá kích cỡ xuất khẩu nhưng ông vẫn chưa bán được. Nguyên nhân do giá mua của thương lái quá thấp so với giá thành nuôi của ông, vì vậy ông Khéo quyết định giữ cá lại để… chờ giá. Ngoài gia đình ông Khéo, còn có rất nhiều hộ nông dân khác đang gặp khó trong việc tiêu thụ sản phẩm. “Theo thông lệ, vào thời điểm tháng 8, 9, 10 cho đến cuối năm, các nhà nhập khẩu ở các thị trường nhập hàng với số lượng lớn để chuẩn bị bán cho dịp Noel, Tết Dương lịch. Lúc đó, các nhà máy bắt đầu mua xuất khẩu, giá cá tăng. Năm nay, không biết tình hình như thế nào mà giá cá chẳng lên mà lại rớt xuống, khiến việc tiêu thụ cá gặp nhiều khó khăn” - ông Khéo phản ánh.

Ông Doãn Tới cho biết, thời điểm cuối năm 2018, các nhà nhập khẩu lo ngại giá cá tra sẽ tăng cao, họ đã tăng lượng nhập hàng để lưu kho, vì vậy bước qua năm 2019, ngay từ đầu năm các nhà nhập khẩu tại các quốc gia đã có động thái mua hàng ít lại, từ đó khiến giá cá tra rớt xuống mức thấp. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tính đến trung tuần tháng 11-2019, diện tích thả nuôi cá tra của toàn vùng ĐBSCL là 7.127ha (tăng 2.086ha so cùng kỳ năm 2018), sản lượng thu hoạch đạt 1.072.677 tấn (giảm 84,323 tấn so với cùng kỳ 2018). Riêng đối với tỉnh An Giang, diện tích thả nuôi cá tra đạt 1.200ha, sản lượng thu hoạch đạt khoảng 300.000 tấn.

Nhìn vào con số này cho thấy, do năm 2017, 2018, cá tra trên thị trường có giá rất tốt nên doanh nghiệp, nông dân tổ chức mở rộng diện tích, từ đó toàn ngành rơi vào tình trạng “cung” vượt “cầu”. Tính đến thời điểm hiện nay, kim ngạch cá tra của Việt Nam trong năm 2019 chưa vượt qua được con số 2,1 tỷ USD, trong khi năm 2018 vừa qua, con số này là 2,26 tỷ USD. Diện tích nuôi tăng, kim ngạch xuất khẩu giảm, tình trạng thua lỗ là điều khó tránh khỏi.

Giải pháp

Để ngành hàng cá tra phát triển mang tính bền vững, theo nhiều doanh nghiệp (DN) và ngư dân, tất cả những người tham gia cùng làm ngành hàng này phải đều thắng. Điều này có nghĩa, người nuôi, DN, nhà nhập khẩu, người bán thức ăn, thuốc thú y thủy sản; DN cơ khí thủy sản, vận chuyển… tất cả đều phải có được lợi nhuận. Trong khi thực tế hiện nay, DN chế biến, cung cấp thức ăn đang nắm giữ phần lợi nhuận của toàn chuỗi với tỷ lệ rất cao, chiếm gần 40% lợi nhuận có được từ ngành hàng này; 60% còn lại được chia cho các nhà nhập khẩu, DN chế biến sản phẩm xuất khẩu, thuốc thú y thủy sản, người nuôi, DN cơ khí thủy sản và các thành phần tham gia khác.

Như vậy, người làm ra sản phẩm (DN và ngư dân nuôi cá), lợi nhuận chiếm một phần rất nhỏ, trong khi các thành phần khác tham gia có được lợi nhuận rất cao, chế biến thức ăn thủy sản là một điển hình. “Trong nuôi cá tra, thức ăn, thuốc thú y thủy sản chiếm tỷ trọng về vốn rất lớn. Thức ăn, thuốc năm nào cũng tăng, còn giá cá thì có năm tăng, năm sụt, rủi ro luôn rình rập người nuôi mà lợi nhuận thì không bao nhiêu, như vậy là chưa hợp lý…” - bà Trần Lệ Thủy (ngư dân xã Đa Phước, An Phú) phản ánh.

Nhìn thấy được những vấn đề bất cập của ngành hàng cá tra, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đã tìm ra giải pháp khắc phục và giải pháp này bắt đầu từ con giống. Vậy là chương trình giống cá tra 3 cấp ra đời, chương trình này khắc phục được những nhược điểm về con giống. Từ sau năm 2021, cộng đồng ngư dân sẽ có được con giống khỏe, sạch bệnh, từ đó giúp người nuôi hạ thấp được tỷ lệ cá chết khi thả vào hầm. “Con giống mới chỉ là một trong nhiều vấn đề cần giải quyết của ngành hàng cá tra. Theo tôi, ngoài con giống, vấn đề tiêu thụ sản phẩm, điều tiết sản lượng nuôi của toàn vùng hàng năm là yếu tố rất quan trọng. Thời gian qua, mặc dù nhà nước vận động ngư dân, DN cùng ngồi lại với nhau để có tiếng nói chung, song đến thời điểm này, việc liên kết nuôi thông qua hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay về số ngư dân tham gia. Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc xung quanh vấn đề giá mua của DN đối với ngư dân là giá mua theo giá thị trường” - bà Thủy bức xúc.

“Để ngành hàng cá tra phát triển, vai trò quản lý của nhà nước là rất quan trọng, bởi chỉ có nhà nước, hiệp hội ngành hàng mới có thể điều tiết được sản lượng nuôi. Còn nông dân, thấy năm nào giá cá cao thì ai cũng “nhảy” vào nuôi, trong khi cơ quan chức năng chưa có biện pháp chế tài đủ mạnh, từ đó làm cho “cung” vượt “cầu”. Tôi kiến nghị nhà nước, hiệp hội ngành hàng cần nâng cao hơn nữa vai trò quản lý để điều tiết sản lượng nuôi và những vấn đề có tính quyết định khác” - ông Trần Văn Khéo kiến nghị.

MINH HIỂN