Để nghề nuôi chim yến phát triển bền vững

24/06/2021 - 10:32

Nghề nuôi chim yến trong nhà ở Vĩnh Long bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người nuôi, nhưng để phát triển bền vững cần có đầy đủ các cơ chế, chính sách quản lý nghề nuôi tốt hơn…

Nhà nuôi chim yến ở ấp An Hương 1 (xã Mỹ An- Mang Thít).

Nghề đang “nổi”

Hiện tại, trên địa bàn các huyện- thị- thành trong tỉnh đều có rải rác nhà yến (nhà nuôi chim yến). Có nhà nuôi yến đã tồn tại mười mấy năm rồi.

Gần biển chỉ ranh giới giữa huyện Long Hồ và Mang Thít trên Đường tỉnh 902 vừa mọc lên 1 nhà nuôi yến cao 5 tầng (thuộc ấp Sơn Đông, xã Thanh Đức- Long Hồ).

Anh Nguyễn Ngọc Hòa (45 tuổi) là quản lý của nhà nuôi yến này cho biết: Nhà yến có mặt bằng xây dựng trên 1 công đất và có kinh phí xây dựng trên 5 tỷ đồng đã đi vào vận hành, phát máy dẫn dụ chim yến vào giữa tháng 4/2021. Đến nay đã thấy lác đác chim yến vào ở.

Nhà yến là của ông chủ anh ở TP Hồ Chí Minh. Ông về đây mua đất, xây nhà nuôi vì đất đai ở đây rẻ hơn và môi trường rất thích hợp cho chim ở, nhất là nhà yến xây gần sông Cổ Chiên rất thuận lợi để chim yến xuống uống nước.

Ông chủ của anh sắp khởi công xây nhà nuôi yến thứ 2 gần cầu Cái Tranh (thuộc ấp Mỹ Điền, xã Mỹ Phước- Mang Thít).

Tại địa phận ấp An Hương 1 (xã Mỹ An- Mang Thít) cũng có 1 nhà yến cao 5 tầng nằm sát Đường tỉnh 902 đã vận hành 2 năm nay của một chủ doanh nghiệp gốm xuất khẩu ở Phường 5 (TP Vĩnh Long). Hiện đã có chim yến vào ở nhưng chưa nhiều.

Giữa cù lao Minh cũng đã xuất hiện một số nhà nuôi cao lênh khênh giữa những vườn cây ăn trái bạt ngàn ở xã An Bình, Hòa Ninh (Long Hồ). Những hộ dân ở đây cho hay, chim yến có thể ăn các loại côn trùng bay nhỏ như rầy nâu, rầy xanh, mối, ruồi, muỗi, giúp bảo vệ cây trồng…

Theo Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản tỉnh Vĩnh Long, hiện trong tỉnh có 62 nhà nuôi yến, tập trung nhiều nhất ở TX Bình Minh và huyện Long Hồ.

Anh Nguyễn Ngọc Hòa cho biết thêm: Xây nhà nuôi yến tuy có thu nhập cao nhưng vốn đầu tư lớn và rủi ro cũng cao, sớm lắm là 3-4 năm và có khi 6-7 năm mới có thể thu hồi được vốn. Ở tỉnh khác, có hộ cũng bị lỗ nặng vì xây nhà xong nhưng yến chỉ bay lòng vòng mà không vào ở hoặc vào rất ít.

Tuy nhiên theo ThS.Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản tỉnh Vĩnh Long: Không phải nơi nào cũng có, chủ yếu cũng nuôi được chim yến.

Do đó, tỉnh Vĩnh Long cần phải khai thác tốt nhất nghề này để mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi, mang lại nguồn thu ngân sách không nhỏ cho tỉnh và bảo vệ môi trường sinh thái.

Để nghề nuôi yến phát triển bền vững

Vĩnh Long có tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến bởi khí hậu tương đối mát mẻ, không khí trong lành, ít ô nhiễm lại có nhiều cây xanh, nhiều kinh rạch, sông ngòi, đồng ruộng lớn, vừa tạo không gian bay thoải mái, vừa mang đến nguồn thức ăn phong phú và dồi dào cho chim yến.

Ngoài ra, giá đất không cao, môi trường đầu tư thuận lợi… nên dễ thu hút các nhà đầu tư từ các đô thị lớn về. Tuy nhiên trong thời gian qua, nghề nuôi yến ở đây còn những tồn tại nhất định.

Trước hết, nghề nuôi yến hiện nay đang mang tính tự phát, chủ yếu do người dân, doanh nghiệp tự đầu tư nuôi. Anh Nguyễn Ngọc Hòa cho hay: Tỉnh Vĩnh Long chỉ tạo điều kiện về cấp phép xây dựng nhà và cấp phép cho nuôi yến, chớ chưa hỗ trợ về kinh phí đầu tư và kỹ thuật!

Kế đến là những cơ sở pháp lý cụ thể về quản lý nghề nuôi còn một số bất cập. Hiện nay có 2 văn bản liên quan đến việc quản lý nghề này là “Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, định hướng đến 2030” (trong đó có “Điều chỉnh quy hoạch ngành chăn nuôi”, đã được HĐND tỉnh Vĩnh Long thông qua tại Nghị quyết số 112/NQ-HĐND ngày 6/7/2018) và Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21/1/2020 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi.

Tuy nhiên, “Điều chỉnh quy hoạch ngành chăn nuôi” không nêu rõ về quy hoạch vùng nuôi chim yến và Nghị định 13 không quy định cụ thể về vị trí xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến. Đây là một việc rất khó cho cấp địa phương trong triển khai thực hiện, đặc biệt công tác cấp phép, quản lý vùng nuôi.

Cuối cùng là vấn đề môi trường xung quanh nhà nuôi. Tuy hiện nay chưa ghi nhận tranh chấp nghiêm trọng giữa hộ nuôi và hộ dân xung quanh, vì số nhà nuôi còn ít và theo những hộ xung quanh nhà nuôi yến ở ấp Sơn Đông (xã Thanh Đức) và ấp An Hương 1 (xã Mỹ An) thì việc phát âm thanh dẫn dụ yến có liên tục nhưng không lớn, chưa ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.

Nhưng sắp tới đây khi số nhà yến tăng lên thì sẽ tác động đến môi trường xung quanh (về âm thanh, vệ sinh dịch tể…).

Để không gặp khó khăn sau này trong giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường hay phải di dời các nhà yến đã xây dựng trong các khu dân cư, khu đô thị như đã xảy ra ở các tỉnh- thành lân cận như TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, TP Sóc Trăng, Đồng Tháp..., thiết nghĩ tỉnh Vĩnh Long cần có quy hoạch chi tiết vùng nuôi chim yến đến cấp xã, đặc biệt đối với những xã- phường- thị trấn có điều kiện phát triển nghề này.

Quy hoạch sẽ xác định vùng nuôi phù hợp, góp phần kiểm soát được môi trường, dịch bệnh và đảm bảo phát triển bền vững của nghề nuôi chim yến trong tương lai.

Theo một số cán bộ chuyên môn của Sở Nông nghiệp-PTNT, sở này đang tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh để trình HĐND tỉnh này thông qua trong thời gian gần đây. Còn về quy hoạch vùng nuôi chim yến thì do quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 sẽ không còn lập quy hoạch hay điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành riêng. Do vậy, sắp tới đây sẽ đề nghị xem xét, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng nuôi chim yến vào quy hoạch chung của tỉnh…để giúp quản lý tốt hơn nghề này.

Theo MỸ TRUNG (Báo Vĩnh Long)