Nông dân trồng khoai lang ở Bình Tân đang cầu cứu vì thương lái Trung Quốc ngừng mua! Ảnh: AN KHÁNH
Đó là câu chuyện ở tận tỉnh Bình Thuận, còn hiện nay ngay ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, nông dân trồng khoai lang cũng đang điêu đứng vì bế tắc đầu ra phải cầu cứu bộ ngành vào cuộc giải cứu! Nguyên nhân do thị trường Trung Quốc ngừng nhập khẩu, nông dân khóc ròng vì thua lỗ.
Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị bổ sung mặt hàng nông sản khoai lang của tỉnh vào danh mục hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Bởi khoai lang là một trong 3 cây trồng chủ lực được địa phương lựa chọn để tập trung đầu tư phát triển trong thời gian tới. Diện tích trồng khoai của Vĩnh Long dao động từ 10.000-14.500ha; năng suất bình quân đạt 25-30 tấn/ha; sản lượng đạt từ 300.000 - 400.000 tấn/năm. Nhưng thị trường tiêu thụ khoai lang của tỉnh chủ yếu chỉ xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Giá khoai hiện giảm mạnh chỉ còn khoảng 230.000 - 280.000 đồng/tạ (60kg), thấp hơn giá thành sản xuất, người trồng bị thua lỗ. Bạn tôi, 3 năm trước trồng khoai lang ở Bình Tân trúng đậm, anh thuê thêm đất để trồng hơn 3ha. Mới đây điện thoại hỏi thăm, anh nói với giọng buồn: “Giờ không còn ở Bình Tân nữa, ra Bình Dương rồi!”. “Sao đi xa vậy” - tôi hỏi. Anh bảo: “Đất đai bán hết rồi còn đâu nữa, trả hết nợ, ra được Bình Dương làm mướn là may lắm rồi!”. Thì ra là “bể nợ” vì khoai lang!
Lâu nay, từ các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách… đều “đổ lỗi” do thiếu quy hoạch vùng, thiếu liên kết, thiếu nhà đầu tư để tiếp sức, định hướng cho nông dân. Nhận định ấy đã tồn tại từ lâu, không sai, nhưng có dễ “ra tay” để cải thiện - cứu hàng triệu nông dân? Trong khi tâm lý của nhà nông với tập quán, thói quen tồn tại biết bao đời nay làm theo phong trào, thấy nông sản nào có giá đua nhau trồng, bị dội chợ cùng nhau điêu đứng. Như hiện nay, mít Thái có giá trên dưới 50.000 đồng/kg, nhiều nơi nhà nông đang ùn ùn đốn cây, cải tạo vườn để trồng mít, dù trước đây 5-6 năm không biết bao nhiêu nhà vườn phải đốn bỏ mít đang có trái để trồng xoài Đài Loan vì giá mít chỉ có vài ngàn đồng/kg, thậm chí không có người mua… Và xoài Đài Loan được dự báo sẽ vào chu kỳ rớt giá! Sắp tới nông dân sẽ trồng cây gì, nuôi con gì đây(!?).
Ai cũng thấy hàng nông sản Việt Nam đa phần chỉ xuất sang thị trường Trung Quốc, nếu nước bạn ngừng mua, giá sẽ giảm, nông dân thua lỗ là câu chuyện buồn dài tập của hàng nông sản Việt. Song, có thể thấy, hầu hết thương lái Trung Quốc mua hàng nông sản của nông dân ta đều đi đến tận vùng sâu, vùng xa hay bất cứ ngõ hẻm nào họ cũng đến tìm hiểu rồi mới mua. Vì thế họ biết nông dân chúng ta đang có đặc sản gì ngon nhất, thời điểm nào thu hoạch, có con gì, trái cây gì ngon nhất để thu mua… Nói nôm na, họ không chỉ đi chợ, mà còn đến từng nhà để tìm mua được thứ họ cần. Nông dân chúng ta như “cô gái quê” chờ người khác đến hỏi cưới, luôn trong thế bị động. Điều nghịch lý này có lẽ chúng ta cần suy nghĩ trước mắt hơn là trông chờ những quy hoạch mang tính vĩ mô, không dễ làm. Chúng ta quan tâm hơn đến chất lượng nông sản để đáp ứng đúng nhu cầu thị trường nhập khẩu, phải biết chào hàng, phải mang ra chợ để khách hàng biết đến mình, mình có gì phải khoe - phải chào hàng thì mới có thể bán nhanh; tạo mối quan hệ khách hàng để biết được mùa này họ cần gì, mùa khác họ cần chi…
Nhiều nông sản Việt như chuối, nhãn, sầu riêng, đặc biệt là thanh long, cá basa, tôm rất được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc. Nhưng nhà nông nếu chỉ dừng lại việc biết tự nuôi, tự trồng thôi thì “không ăn”, mà cần phải “mang ra chợ”, cần phải tiếp thị, phải có “mối lái” thì chuyện làm ăn của nhà nông mới hiệu quả, bền vững.
Theo AN KHÁNH (Báo Cần Thơ)