Đi bẫy chuột núi

26/01/2020 - 09:44

 - "Về trọng lượng và kích thước, nhìn chung chuột núi tương đương như chuột đồng. Nhưng do sống ở môi trường hoang dã, nên chuột núi rất hung dữ, nhanh và mạnh hơn. Ngoài ra, răng của chuột núi rất sắc bén, có thể cắn đứt nhiều loại chất liệu. Muốn bắt hay bẫy không dễ dàng gì, vì chúng rất tinh khôn, không khi nào trở lại kiếm mồi ở nơi một đồng loại khác từng bị sập bẫy” - chú Út Lợi (59 tuổi, ngụ xã Lương Phi, Tri Tôn, An Giang) mở đầu câu chuyện đi bẫy chuột núi.

Thức ăn của chuột núi chủ yếu là hoa quả trên cây. Vì thế, thịt chuột núi được người dân sinh sống khu vực này ưa chuộng. Nếu biết cách chế biến, đây là loại thịt “sạch” và ngon. Chỉ có những người sống ở khu vực núi mới biết đến loại chuột này. Nhưng nếu khách ở xa khi đã biết, từng được ăn chuột núi đều thích thú, thế nào cũng quay lại tìm đặt mua.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thịt chuột núi được bán với giá vài chục ngàn đồng/con. Nếu ai có nhu cầu thưởng thức, phải cho hay trước để người dân đi bẫy, gom số lượng về, khi nào có đến nhận.

Thịt chuột núi có cách chế biến đơn giản, tương tự như chuột đồng. Điển hình như món “Thịt chuột núi xào sả ớt”: chỉ cần lột da, bỏ ruột, rửa sạch rồi chặt ra từng miếng nhỏ, nêm nếm gia vị, ớt, tỏi, sả băm nhuyễn và chút nước mắm, xào đều cho đến khi thịt chuột thơm, ngả màu vàng. Đến bữa ăn, chỉ cần thêm một ít rau rừng mọc dại, chấm nước tương.

Gió núi thổi phần phật xung quanh, mang theo mùi thơm của món ăn. Cắn miếng thịt chuột, vị đậm đà trong tỏa ra, món ăn trở nên thú vị hơn rất nhiều. Ngoài ra, có thể tận dụng măng tre, chuối... để nấu cùng thịt chuột, tùy theo khẩu vị của người ăn mà chọn cách nấu khác nhau.

Anh Phước đi thăm, kiểm tra bẫy

Để bắt chuột núi, người dân thường dùng phương pháp bẫy, giống như bẫy các loại chuột thông thường. Tuy nhiên, muốn chuột núi sập bẫy cần phải có kinh nghiệm, chứ không phải muốn đặt chỗ nào cũng được, hay đặt một lần là “dính”.

Anh Nguyễn Hữu Phước (46 tuổi, ngụ khu vực núi Dài lớn, một trong những người dân sinh sống lâu năm trên núi) cho biết, trên núi có rất nhiều loại cây trái ngon, dễ thu hút chuột núi. Nhưng nếu có một con bị dính bẫy chỗ nào, đừng mong sẽ tiếp tục bắt được con khác nữa, mặc dù “mồi” trong bẫy ngon đến đâu…

Do đó, để bẫy được nhiều cần phải dùng nhiều cái lồng, đặt bẫy đủ nơi khác nhau, nhằm đón đường đi của chúng. Nhưng phải lưu ý, bẫy không chắc chắn hay có chút sơ hở thì chúng cắn rồi tìm cách chui ra, bởi phản xạ của chúng rất nhanh và mạnh.

“Khi đi đặt bẫy, tôi thường bỏ một ít chuối chín bên trong lồng để làm mồi dụ, vì các loại chuối trồng, mọc trên núi thường có mùi thơm, chuột dễ đánh hơi tìm đến. Đồng thời, phải bỏ thêm một ít nước ở trong lồng, để đề phòng khi người đặt bẫy không có mặt thì chuột không bị chết do thiếu nước. Đó là đề phòng thôi, thực tế chúng ít khi chết, vì có sức mạnh có độ chịu đựng dai” - anh Phước chia sẻ.  

“Chuột núi có quanh năm, nhưng để bẫy được nhiều và có thịt chuột ngon đãi khách nên chọn mùa mưa. Bởi vì, thời điểm này nhiều vườn trái cây bắt đầu vào vụ chính, thức ăn phong phú làm cho chuột sinh sản nhanh và đi kiếm ăn nhiều. Tuy nhiên, chính vì thế mà người dân làm vườn cũng cực với chúng, do bị “thất thoát” không ít trái cây ngon… Trong các khâu bẫy chuột, đầu tiên phải chịu khó quan sát, nhìn xem luồng chuột đi ra sao, ước tính coi có bao nhiêu con chạy qua, chạy hướng nào... rồi mới dùng bẫy đặt theo luồng” - chú Út Lợi chia sẻ thêm.

Lần đầu tiên được thưởng thức món “chuột núi xào măng”, anh Minh Đạt (42 tuổi, ngụ TP. Long Xuyên, An Giang) tấm tắc khen: “Trước giờ tôi chỉ ăn chuột đồng, chưa nghe nói gì về chuột núi. Nhưng khi lên núi, được ăn món này, tôi cảm thấy đây là món ăn rất khoái khẩu. Bởi thịt chuột vừa dai dai, vừa rất ít mỡ, nên không gây ngán, cảm giác có thể ăn thêm được nữa”.

Có thể nói, bẫy chuột núi cũng là một công việc tuy vất vả nhưng cũng không kém phần đặc biệt đối với người dân sinh sống trên các khu vực núi. Vì họ vừa ngăn cản sự phá hoại và sinh sản nhanh của loài gặm nhấm này, vừa có thêm thức ăn ngon riêng có của xứ núi, thậm chí còn có thể có thu nhập từ việc bẫy chuột núi, cải thiện kinh tế gia đình.

Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG