Cầu gai mới bắt lên BÁCH HỶ
'Trái chôm chôm của biển'
Cầu gai được xem là đặc sản tại khu du lịch Bãi Sao (TT.An Thới, H.Phú Quốc) và quần đảo Nam Du (thuộc 2 xã An Sơn và Nam Du, H.Kiên Hải).
Nhìn bề ngoài, cầu gai rất giống trái chôm chôm, tròn lẳng với nhiều tua “quái dị”. Tuy nhiên chúng lại có giá trị dinh dưỡng rất cao và thường dùng nấu cháo, nướng mỡ hành hay ăn sống với mù tạt.
Cầu gai nướng mỡ hành, món ăn được nhiều thực khách chọn lựa khi đặt chân đến vùng biển Kiên Giang ẢNH: BÁCH HỶ
Thoạt nhìn cầu gai, ai cũng sợ bởi nhiều tua, song chỉ cần cầm kéo và dụng cụ gấp nước đá là có thể cắt gọn lại. Nấu cháo, nướng hay tái mù tạt gì thì cũng cần bổ đôi ra. Khi bổ ra sẽ thấy cồi màu vàng như gạch cua.
Anh Trần Văn Hoàng (một hướng dẫn viên làm du lịch tại hộ gia đình ở xã An Sơn, H.Kiên Hải) cho biết người chế biến cầu gai phải dùng muỗng cà phê loại bỏ phần mật đen và múc phần cồi nhum cho vào rửa lại bằng nuớc biển rồi múc ra một chén mù tạt, sau đó vắt chanh vào, đánh kỹ và dùng ngay.
Theo anh Hoàng, ngoài ăn sống với nước tương kết hợp mù tạt thì cầu gai còn có thể dùng nấu cháo, giống như cháo sò huyết. Cháo cầu gai có mùi vị rất đặc biệt, hương vị phảng phất nồng nàng của gạo hòa quyện với gạch trắng hồng, người ăn có cảm giác vị béo, vị ngọt lạ lùng ở cuống lưỡi.
“Sau giờ tắm biển, húp 1 chén cháo cầu gai là khỏe lại liền. Tuy ban đầu nhìn bề ngoài có vẻ đáng sợ, nhưng khi thưởng thức mùi vị của cầu gai thì cái sợ nhanh chóng biến mất”, anh Phạm Anh Duy (một du khách đến từ TP.HCM) khen đáo để khi thưởng thức cầu gai trên thuyền du lịch tại quần đảo Nam Du.
'Món được đàn ông... ưa thích'
Cầu gai ăn ngon, thấm đậm hương vị biển, nhất là khi được chế biến, thưởng thức ngay trên tàu du lịch chạy xung quanh các quần đảo. Khách du lịch có thể gọi nhân viên phục vụ trên tàu du lịch chạy và cập vào các địa điểm lồng bè đã được bắt và rộng sẵn của ngư dân và nhờ chế biến. Mọi người chỉ việc nhấp một ly rượu, đánh một cái “khà”, thưởng thức 1 muỗng cầu gai được múc ra từ con cầu gai đã chế biến bằng cách nướng, hoặc tái mù tạc sẽ nghe vị ngọt của cầu gai thấm sâu dạ dày.
“Đây không chỉ là món ăn chơi bổ dưỡng mà còn có tác dụng tăng cường sinh lực, rất được... đàn ông ưa thích”, annh Hoàng dí dỏm.
Món cầu gai tái mù tạt BÁCH HỶ
Những người có bụng dạ an toàn với bất kỳ thực phẩm “khó chịu” nào thì cũng có thể thưởng thức trọn vẹn hương vị béo, bùi, ngọt, thơm mùi biển khơi của cầu gai và đều khen ngon, lạ. Ngồi trên tàu du lịch hứng gió biển ào ạt thổi vào, thưởng thức hương vị cầu gai thì không gì bằng.
Trước đây, cầu gai rất nhiều và rất rẻ. Mỗi con chỉ khoảng vài ba ngàn đồng là cùng. Tuy nhiên, khoảng 5 năm nay, cầu gai đã khẳng định giá trị của nó. Chúng xuất hiện ngày càng nhiều trên bàn tiệc của khách dã ngoại. Tùy địa điểm du lịch, giá mỗi con cầu gai đã được chế biến dao động từ 15.000 đồng - 25.000 đồng/con.
Anh Trần Trung Kiên (một du khách đến từ Đồng Nai) cho biết. “Tôi đã 2 lần đi Kiên Giang du lịch, lần nào cũng thưởng thức đủ 3 món cầu gai nướng mỡ hành, tái mù tạt và nấu cháo. Món cầu gai tái mù tạt kết hợp nước tương có vị cay nồng làm chín gạch cầu gai và “xốc” lên tận đỉnh đầu xoá tan mùi tanh, chỉ còn lại vị béo ngậy tan trên đầu lưỡi, cuống họng. Trên tàu, chạy dọc quanh vùng biển đảo Nam Du, thưởng thức món cầu gai sẽ cái cảm giác hương vị của biển”.
Theo Thanh Niên