Diện mạo mới ở Trà Vinh

02/02/2021 - 15:07

Trà Vinh là tỉnh có điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, lại bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây thiệt hại cho sản xuất. Tuy nhiên, nỗ lực của các cấp, các ngành và người dân đã góp phần đưa mức tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm gần đây của Trà Vinh đạt 11,95%.

A A

Nuôi tôm là một trong những thế mạnh của Trà Vinh.

Đột phá chiến lược

Theo UBND tỉnh Trà Vinh, thời gian qua, các ngành chức năng tiếp tục đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển. Bước đầu hình thành và phát triển các loại hình thị trường như bảo hiểm, bất động sản, khoa học - công nghệ, lao động… Bên cạnh đó, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương hoàn thành thông luồng kỹ thuật luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, cảng nhập than cho tàu 30.000 tấn; hoàn thành nâng cấp sửa chữa quốc lộ 60, quốc lộ 53. Xây dựng bến cảng tổng hợp Ðịnh An, cảng biển Trà Cú. Ðầu tư nâng cấp, mở rộng 101km đường tỉnh, đường huyện, đường đến trung tâm xã và 815km đường nông thôn. Hoàn thành đưa vào sử dụng một số tuyến đường ở khu kinh tế Ðịnh An, với tổng chiều dài 18km. Trung tâm Ðiện lực Duyên Hải hoàn thành Nhà máy 1, 3 và 3 (mở rộng)…

Ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết: Tính đến nay, khu kinh tế Ðịnh An đã thu hút được trên 50 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 6,7 tỉ USD; trong đó nguồn vốn FDI chiếm 2,71 tỉ USD với các lĩnh vực: cảng biển, logistics, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời, kho xăng dầu, siêu thị, nhà máy chế biến thủy sản, khu ươm tôm giống, vật liệu xây dựng, du lịch sinh thái biển, giải trí, lĩnh vực giáo dục, y tế, khu đô thị… giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 5.000 lao động địa phương, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh còn tập trung cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ. Những đột phá trên đã góp phần đưa kinh tế của Trà Vinh tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm qua đạt 11,95% thuộc nhóm các tỉnh có tăng trưởng cao; GRDP bình quân đầu người ước đạt 65 triệu đồng vào cuối năm 2020, tăng gần 2,2 lần so năm 2015…

Dồn sức cho kinh tế biển

Một trong những nhiệm vụ của Trà Vinh trong thời gian tới là vươn lên trở thành tỉnh trọng điểm về phát triển kinh tế biển ở ÐBSCL. Ðể thực hiện mục tiêu này, tỉnh xác định vùng phát triển kinh tế biển gồm 5 đơn vị cấp huyện ven biển, với diện tích 152.256ha (gần 65% diện tích toàn tỉnh) nhằm tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế đưa Trà Vinh trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm giao thương và năng lượng của ÐBSCL (gồm nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản; du lịch biển, công nghiệp ven biển, cảng biển, dịch vụ vận tải biển, logistics, kho ngoại quan, khu phi thuế quan, khu dịch vụ công nghiệp...).

Tỉnh Trà Vinh sẽ rà soát, điều chỉnh và xây dựng đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng biển của tỉnh và các tỉnh lân cận. Bổ sung quy hoạch các đô thị ven biển, định hướng nâng cấp thị xã Duyên Hải lên thành phố. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng khu kinh tế Ðịnh An, phấn đấu đến năm 2030 trở thành cửa ngõ giao thông hàng hải quốc tế và đầu mối giao thông quan trọng của vùng ÐBSCL và duyên hải Nam Bộ.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn nhấn mạnh, tới đây sẽ phát triển nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản; tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản; hiện đại hóa quản lý nghề cá trên biển; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hình thức hợp tác. Ðầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá, kết hợp khu neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá. Phát triển các ngành công nghiệp ven biển, nhất là công nghiệp sửa chữa và đóng tàu, năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ.

“Tỉnh xác định ngành công nghiệp năng lượng tái tạo là động lực tăng trưởng mới nhằm đưa Trà Vinh trở thành một trong những trung tâm năng lượng của vùng. Kiến nghị Trung ương sớm thi công cầu Ðại Ngãi, đầu tư các tuyến đường hành lang ven biển; hoàn thiện luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, nạo vét sông Cổ Chiên, đầu tư hoàn thành khu dịch vụ công nghiệp Ngũ Lạc. Kêu gọi đầu tư cảng nước sâu và các bến tàu thủy nội địa phù hợp với quy hoạch hệ thống cảng biển đã được phê duyệt... Ðẩy mạnh phát triển du lịch biển, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tham quan điện gió; xây dựng, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển...” - ông Lê Văn Hẳn nhấn mạnh.

Những năm qua, Trà Vinh luôn quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội, huy động nguồn lực chăm lo đời sống người dân. Đến nay, 99% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình người dân nơi cư trú; 100% xã phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ. Thu nhập, đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo có sự chuyển biến, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, ước đến cuối năm 2020 còn 1,57% (năm 2015 là 13,23%), hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm còn 3,92% (năm 2015 là 23,12%).

 

Theo PHƯỚC BÌNH (Báo Cần Thơ)